Nhiều điểm mới trong kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia năm 2021 Kỹ năng nghề của Việt Nam càng tiệm cận với khu vực và thế giới

Chiều ngày 12/12 Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức hội nghị tổng kết kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 theo hình thức trực tuyến.

Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia 2021: Khẳng định thành công về chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp

Thí sinh Trường cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 dự thi nghề công nghiệp 4.0. Ảnh: Minh An

Ứng dụng công nghệ hiện đại nhất

Ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề cho biết, đây là lần đầu tiên kỳ thi diễn ra theo hình thức trực tuyến và cũng lần đầu tiên có sự xuất hiện của các ngành nghề thi và ứng dụng công nghệ mới như: nghề siêu máy tính; điện toán đám mây; nghề công nghệ 4.0; nghề quản trị hệ thống mạng thông tin; nghề phát triển ứng dụng di động…

"Sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến cho trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn giữ vai trò quan trọng; hệ thống công nghệ thông tin, tự động hóa dần thay thế lao động truyền thống thì sự xuất hiện của những nghề mới sẽ mở ra cơ hội cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Cơ hội đó có thể là việc các thí sinh thích nghi, thích ứng, trải nghiệm và làm chủ công nghệ và có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới năm 2022"- ông Trường nói thêm.

Phát biểu tại lễ bế mạc, PGS.TS. Cao Hùng Phi - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long - Chủ tịch Hội đồng thi số I cho hay, đây là cuộc thi để thể hiện khả năng chuyển đổi số, thích ứng với cách mạng công nghệ 4.0.

Lần đầu tiên đơn vị này đã ứng dụng phần mềm VNSkills do đội ngũ giảng viên nhà trường xây dựng, kết hợp hệ thống siêu máy tính và ứng dụng điện toán đám mây phục vụ kỳ thi. Tất cả các máy móc đều chạy ổn định, an toàn và xử lý tất cả các nội dung của bài thi trực tuyến mà các chuyên gia, giám khảo yêu cầu.

"Đây là một cuộc thi chưa từng có tiền lệ khi được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Nhà trường đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng ở tất cả các khâu như cơ sở vật chất, nền tảng số, an ninh, công tác phòng dịch cho tới việc đánh giá kết quả của bài thi. Mọi phát sinh trong quá trình thi của thí sinh đều được giải quyết rất nhanh và bảo đảm tối đa kết quả của bài thi. Công tác chấm điểm bằng phần mềm và qua hội đồng chuyên gia cũng được thiết kế để tuân thủ nguyên tắc chính xác, công tâm và minh bạch. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng được nhà trường và tỉnh Vĩnh Long đặc biệt chú trọng" - PGS.TS. Cao Hùng Phi nói thêm.

Ông Vũ Quang Trực - Phó Chủ tịch Hội đồng thi số 5 cũng đánh giá cao sự thành công của cuộc thi. Ông Trực cho biết kỹ năng nghề của người thợ là thước đo chuẩn mực và phản ánh đầy đủ nhất về chất lượng lao động.

Lần đầu tiên, cuộc thi mở rộng đối tượng ra cả những người thợ (thay vì chỉ học sinh, sinh viên) độ tuổi cũng được nới rộng. Điều này góp phần tạo nên sự đa dạng trong việc thể hiện các kỹ năng của lao động.

Cơ hội tốt để hội nhập kỹ năng nghề với thế giới

PGS TS Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 cho biết, đây là lần đầu tiên các thí sinh làm bài trên máy tính với các kỹ năng ảo nhưng vẫn đảm bảo bảo mật. Thí sinh có cơ hội trình diễn, nâng cao năng lực kỹ năng nghề và đặc biệt là kỹ năng số để thích ứng với nhu cầu thị trường.

“Tác động kép của đại dịch và cuộc cách mạng 4,0 vừa là động lực và cũng là thách thức trong thế giới việc làm. Điều này càng cho thấy vai trò của lao động có kỹ năng và sự chủ động nâng cao kỹ năng nghề nghiệp vốn có của các học viên”- PGS TS Nguyễn Thị Việt Hương nhấn mạnh.

Theo nhiều chuyên gia, cuộc thi là sự khẳng định với lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chính phủ về sự làm chủ công nghệ và chuyển đổi số, sẵn sàng tổ chức các kỳ thi ngang tầm khu vực và thế giới.

Những thành công của cuộc thi đã minh chứng cho nỗ lực chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, là tiền đề cho sự nắm bắt và làm chủ công nghệ, bắt kịp tiến trình hội nhập và sẵn sàng đương đầu với những biến động mới của thị trường lao động thế giới.

Thi trực tuyến là đột phá của kỹ năng nghề Việt Nam, một cuộc chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, đánh giá kỹ năng nghề, thi tay nghề của Việt Nam theo hướng chuyển đổi mà các kỳ kỹ năng nghề quốc tế và nhiều công ty toàn cầu đang hướng tới.

“Kỳ thi tạo cú hích trong thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia theo quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, đối với nền kinh tế vẫn sử dụng nhiều lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên, kỹ năng nghề của người lao động còn nhiều hạn chế như hiện nay thì việc chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số là cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế” – PGS. TS Nguyễn Thị Việt Hương nhấn mạnh.

Kết quả của cuộc thi kỹ năng nghề lần này là cơ sở để Việt Nam hội nhập kỹ năng nghề với các quốc gia trong khu vực và quốc tế. Kết thúc kỳ thi, ban tổ chức sẽ thành lập đội tuyển quốc gia tham gia cuộc thi Kỹ năng nghề thế giới được tổ chức tại Thượng Hải (Trung Quốc) trong thời gian tới.

Sau hơn một tuần tổ chức (6-12/12), ban tổ chức kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 đã lựa chọn được 16 giải nhất, 11 giải nhì, 16 giải ba và 16 giải khuyến khích trong tổng số kết quả thi của 109 thí sinh thuộc 11 nhóm nghề. Qua đánh giá các thí sinh đều có kỹ năng về công nghệ rất tốt và chất lượng chuyên môn trong các bài thi rất đồng đều.