Kỳ vọng sức bật mạnh mẽ của doanh nghiệp sau đại dịch
Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng có tác động rất tốt để kích thích tiêu dùng, từ đó kích thích sản xuất, hỗ trợ gián tiếp cho doanh nghiệp.

PV: Thưa ông, nhìn vào những diễn biến hoạt động sản xuất kinh doanh những ngày đầu năm nay, ông có nhận định gì về triển vọng kinh tế của năm 2022?

TS. Lê Duy Bình: Doanh nghiệp Việt Nam đã trải qua một năm rất khó khăn, nhưng với sự bền bỉ, quen chịu khó chịu khổ, họ đã linh hoạt thích ứng và quay trở lại rất nhanh với sức bật mạnh mẽ. Năm vừa qua khó khăn như vậy nhưng chúng ta vẫn xuất nhập khẩu tới hơn 668 tỷ USD, nhu cầu trong nước được đáp ứng tốt.

Năm 2022, số lượng doanh nghiệp thành lập tháng đầu tiên lên tới hơn 13.000 doanh nghiệp, mức cao nhất từ trước đến nay (của tháng đầu năm), thể hiện tinh thần kinh doanh “hừng hực”. Nhiều chuyên gia nước ngoài đã đánh giá tinh thần kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp của người Việt Nam rất mạnh mẽ. Đây là yếu tố quan trọng khiến chúng ta xoay chuyển tình thế rất nhanh.

Kỳ vọng sức bật mạnh mẽ của doanh nghiệp sau đại dịch
TS. Lê Duy Bình

Một chỉ dấu nữa là dòng vốn FDI vẫn liên tục vào nhiều, đặc biệt những năm gần đây vốn thực hiện đạt cao hơn các năm trước, thể hiện sự cam kết của nhà đầu tư mạnh mẽ hơn, môi trường kinh doanh được cải thiện thuận lợi hơn cho việc triển khai FDI.

Dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng tôi kỳ vọng thời gian tới những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh sẽ tiếp tục được thúc đẩy.

Một yếu tố quan trọng nữa là so với nhiều nước xung quanh trong ASEAN, ta có sự ổn định hơn về chính trị-xã hội, về nền tảng kinh tế vĩ mô. Chẳng hạn nếu lạm phát tăng lên thì ảnh hưởng rất nhiều đến các quyết định của nhà đầu tư, của doanh nghiệp, người tiêu dùng nên ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố rất quan trọng.

Do vậy, tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6% - 6,5% năm nay như nghị quyết của Chính phủ đề ra là có cơ sở, không phải là quá lạc quan khi tính đến sức bật trong nước và nhu cầu hàng hóa của thế giới. Đặc biệt là việc triển khai các chính sách trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới được ban hành sẽ hỗ trợ đẩy nhanh tốc độ phục hồi.

PV: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả các chính sách hỗ trợ phục hồi này?

TS. Lê Duy Bình: Nhìn chung các chính sách hỗ trợ là phù hợp. Trong đó, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã được thực hiện áp dụng ngay có tác động rất tốt để kích thích tiêu dùng, từ đó kích thích sản xuất, qua đó hỗ trợ gián tiếp cho doanh nghiệp. Nhiều chính sách giãn thuế trước đây nay cũng được thực hiện tiếp và sẽ phát huy tác dụng tốt.

Đặc biệt gói chi đầu tư công tới 176.000 tỷ đồng, trong đó có gần một nửa cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Nếu được giải ngân tốt, đây là luồng sinh khí lớn kích thích phục hồi kinh tế. Riêng đối với chính sách hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, tôi băn khoăn về tiêu chí cho vay thế nào, có đảm bảo dòng vốn sẽ đi vào những lĩnh vực cần thiết hay không. Đó là chưa nói đến yếu tố lạm phát.

PV: Trải qua những khó khăn năm qua, nhiều doanh nghiệp cho biết thua lỗ lớn nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp lãi tăng cao. Theo ông, điều này có phải là dấu hiệu của xu hướng về tái cấu trúc doanh nghiệp?

TS. Lê Duy Bình: Những khó khăn vừa qua cũng là quá trình sàng lọc lớn, mà từ đó có thể dẫn đến việc tái cấu trúc, thay đổi diện mạo của hơn 800.000 doanh nghiệp Việt Nam. Dưới tác động của đại dịch, nhiều doanh nghiệp có thể phải rời khỏi thị trường, tự tái tạo lại. Sau đại dịch, các doanh nghiệp nhận thấy muốn tồn tại phải thay đổi để thích ứng với xu hướng mới của thị trường, ứng dụng công nghệ mới và đặc biệt là yêu cầu nâng cao năng suất lao động, một điểm nghẽn lớn trong sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.

Đây là khía cạnh tích cực của đại dịch, bởi nó đẩy nhanh hơn quá trình tái cấu trúc, nâng cao năng suất lao động, chuyển hướng sang những mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Ta có thể thấy hàng chục nghìn doanh nghiệp đóng cửa trong đại dịch, nhưng những chủ doanh nghiệp đó đang có nhiều cơ hội mới để tái tạo lại doanh nghiệp.

PV: Những thay đổi của doanh nghiệp như ông nói dường như chủ yếu từ áp lực nội tại, từ yêu cầu của thị trường. Còn từ góc độ chính sách, cần làm gì để hỗ trợ cho quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp một cách thiết thực và bền vững hơn?

TS. Lê Duy Bình: Những chính sách hỗ trợ như vừa qua là kịp thời nhưng chỉ mang tính ngắn hạn. Quan trọng là những chính sách, luật pháp phải đặt nền tảng dài hạn hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp, thay vì “đánh cờ nước một”. Năm 2020, 2021 chúng ta đã “đánh cờ nước một” là năm nay hỗ trợ như này như kia. Thời điểm này không nên làm vậy nữa mà phải tính 5, 10 năm tới sẽ thế nào, xác định tầm nhìn trung hạn thay vì giải quyết khó khăn trước mắt.

Thời gian qua, dù đã nhiều cải thiện trong các chính sách về đầu tư, đất đai, thủ tục hành chính song vẫn cần phải đẩy mạnh hơn nữa mới bắt kịp được đà phát triển của thế giới. Các chính sách hỗ trợ quá trình đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp phải mạnh mẽ hơn, kịp thời hơn. Dù doanh nghiệp đã có quyền tự do kinh doanh, nhưng sự hỗ trợ đổi mới sáng tạo còn thiếu quyết liệt.

Chẳng hạn ở những lĩnh vực mới như fintech, vẫn còn rất nhiều hạn chế về tự do sáng tạo, thử nghiệm mô hình kinh doanh mới, ngay như quy chế về sandbox đã bàn mãi nhiều năm giờ vẫn chưa có… Hay như cơ chế thu hút PPP, dù đã có luật nhưng vẫn rất khó khăn khi triển khai, không thu hút được dòng vốn xã hội như kỳ vọng.

Thực tế, thể chế chính sách vẫn là nút thắt lớn, mà đây là nền tảng để ta thoát bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước thu nhập cao. Theo dõi chuyến đi công tác xuyên Việt đầu năm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến các công trình trọng điểm, có thể thấy rất nhiều vấn đề được ông nêu ra mà bản chất của nó là thể chế chính sách. Từ những vấn đề rất cụ thể như đoạn đường chia làm bao nhiêu gói thầu, thủ tục triển khai, trách nhiệm của các địa phương, của nhà thầu thực hiện dự án…

Gần đây, chúng ta đã tích cực tháo gỡ nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách trong hoạt động kinh doanh, đầu tư… Song những sửa đổi này chỉ mới tháo gỡ một hai điểm vướng mắc, chỉ giải quyết phần bề mặt mà chưa đụng đến được phần quan trọng là sửa đổi mang tính nguyên tắc chung, tạo triết lý cơ bản để hoạt động kinh tế vận hành bền vững, bài bản.

Chẳng hạn khi bàn về sửa Luật Đất đai, cần phải có xác định nguyên tắc cốt lõi để không chỉ tháo gỡ một vài thủ tục về đất đai, mà phải giải quyết được những vấn đề sâu xa, căn cơ như giá trị thặng dư của đất, phải xử lý sao cho hài hòa lợi ích của các bên, mang lại lợi ích tốt nhất cho nền kinh tế.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đã hết thời “đánh cờ nước một”

Theo TS. Lê Duy Bình, nhiều chính sách hỗ trợ như vừa qua là kịp thời nhưng chỉ mang tính ngắn hạn. Quan trọng là những chính sách, luật pháp phải đặt nền tảng dài hạn hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp. Năm 2022 là lúc không nên “đánh cờ nước một” như vậy nữa mà phải tính 5, 10 năm tới sẽ thế nào, xác định tầm nhìn trung hạn thay vì giải quyết khó khăn trước mắt.