15

Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: TL

CPI vẫn thấp xa mục tiêu

Nhìn vào các chỉ số thống kê được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 8 tháng năm 2021 có một số điểm đáng lưu ý. Trong đó, theo thời gian, CPI được nhận diện dưới các góc độ khác nhau.

CPI tháng (tháng sau so với tháng trước) trong 8 tháng có 6 tháng tăng (tháng 1 tăng 0,06%, tháng 2 tăng 1,52%, tháng 5 tăng 0,16%, tháng 6 tăng 0,17%, tháng 7 tăng 0,62%, tháng 8 tăng 0,25%); có 2 tháng giảm (tháng 3 giảm 0,27%, tháng 4 giảm 0,04%). Mặc dù số tháng tăng nhiều hơn số tháng giảm, nhưng chỉ có 2 tháng tăng cao (tháng 2, tháng 7); số tháng khác tăng thấp, thậm chí giảm, nên CPI theo tháng được coi là thấp.

Đồng thời, so với tháng 12/2020 – tức là sau 8 tháng, CPI tăng 2,51%, bình quân 1 tháng tăng 0,31%, cũng là tốc độ tăng thấp. Còn so với cùng kỳ năm trước – tức là sau 1 năm, tuy có cao hơn so với các gốc so sánh khác, nhưng nhìn chung vẫn còn thấp.

CPI bình quân kỳ này so với cùng kỳ năm trước, tuy có xu hướng cao lên qua các tháng, nhưng tính chung 8 tháng, thì vẫn còn thấp xa so với mục tiêu cả năm (nghị quyết của Quốc hội là khoảng 4%).

Theo nhóm/mặt hàng, CPI bình quân 8 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước, chỉ có 3 nhóm/mặt hàng tăng cao hơn tốc độ chung (giao thông tăng 7,59%, giáo dục tăng 4,08%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,98%). Còn 8 nhóm/mặt hàng khác tăng thấp hơn, trong đó nhóm/mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng chỉ bằng một nửa tốc độ tăng chung (0,86% so với 1,79%); riêng thực phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất giảm 0,38%; có 2 nhóm/mặt hàng còn giảm (bưu chính viễn thông giảm 0,73%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,14%).

Như vậy, dù xét dưới góc độ nào thì CPI trong 8 tháng năm 2021 cũng thuộc loại thấp. Việc tăng thấp này có tác động về 2 phía. Phía người tiêu dùng, nhất là những thu nhập thấp, gặp rủi ro, thì việc CPI tăng không cao, cộng với sự trợ giúp của cộng đồng…, sẽ giảm áp lực của lạm phát. Phía Nhà nước có thể yên tâm hơn đối với việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, thậm chí có thể có dư địa thực hiện việc nới lỏng chính sách tiền tệ với mức độ nhất định, trên một số mặt nào đó (như mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối, hạ lãi suất cho vay…). Tuy nhiên, dù xét dưới góc độ nào thì CPI cũng đang có xu hướng cao lên, nhất là giao thông, lương thực, giáo dục…

Xu hướng tăng vẫn tiếp tục, nhưng không tăng tốc

Ngoài việc nhận diện xu hướng diễn biến CPI trong 8 tháng qua thì việc dự báo còn cần phải xem xét những yếu tố tác động đến CPI trong 4 tháng còn lại của năm 2021.

Trước hết, cần xem xét quan hệ tổng quát giữa tổng cung và tổng cầu – tức là giữa sản xuất và tiêu dùng. Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP 6 tháng xét dưới góc độ sử dụng, tăng 5,64%, tích luỹ tài sản tăng 5,67%, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,56%; xuất khẩu tăng 24,05%, nhập khẩu tăng 22,76%, nhưng nhập siêu lớn (nhập siêu hàng hoá 1,47 tỷ USD, nhập siêu dịch vụ 7,7 tỷ USD). Dự báo 9 tháng cũng như khả năng cả năm, quan hệ tổng quát này tiếp tục theo xu hướng sử dụng GDP cao hơn sản xuất GDP ở trong nước, nhưng phần cao lên này chủ yếu do nhập khẩu có quy mô và có tốc độ tăng cao hơn xuất khẩu.

Khi nhập khẩu và nhập siêu có quy mô lớn, trong điều kiện giá nhập khẩu tính bằng USD tăng cao, do hầu hết các đối tác thương mại lớn đã thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ lớn (cung ứng ra thị trường hàng chục nghìn tỷ USD, chiếm tới trên 20% GDO toàn cầu, lãi suất cơ bản hạ xuống gần bằng 0%...), với thời gian kéo dài đã mấy năm… Tỷ giá VND/USD đã tăng thấp và giảm trong nhiều tháng và tỷ giá thương mại đã mang dấu âm từ năm 2019 cho đến nay, có lợi cho nhập khẩu, gây bất lợi cho xuất khẩu… Diễn biến trên sẽ làm cho “nhập khẩu lạm phát” tiếp tục, làm cho chi phí đẩy – một yếu tố quan trọng của lạm phát – tăng lên.

Một yếu tố quan trọng trực tiếp là yếu tố tiền tệ, tín dụng. Để phòng chống dịch và hỗ trợ sản xuất kinh doanh, chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng chưa thể thắt chặt, mà có thể sẽ tiếp tục nới lỏng, bằng việc tăng tốc độ tín dụng, giảm lãi suất cho vay, cung tiền tăng dự trữ ngoại hối…; trong khi tiền gửi có quy mô và tốc độ tăng thấp hơn. Diễn biến này cộng hưởng với các gói kích cầu/kích cung từ ngân sách…, sẽ làm cho “tiền lớn hơn hàng”.

Cũng thuộc nhóm yếu tố tiền tệ là sự chuyển động của dòng tiền trên thị trường. Một lượng tiền không nhỏ ở các thị trường bất động sản, chứng khoán, vàng, trái phiếu doanh nghiệp… khi các thị trường này đã hoặc sắp vượt qua đỉnh, chuyển sang thị trường hàng hoá, dịch vụ, gây áp lực lên giá của thị trường đó.

Với các yếu tố trên, CPI sẽ tiếp tục xu hướng tăng, nhưng không tăng tốc. Nếu có tăng thì tháng 12 năm nay so với tháng 12 năm trước có thể vượt qua 4%, còn CPI bình quân năm so với bình quân năm trước sẽ không vượt qua 4%. Điều đó có nghĩa là lạm phát cả năm 2021 cũng sẽ tiếp tục được kiểm soát theo mục tiêu.

Dịch bệnh tác động làm tăng CPI


Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, giá lương thực, thực phẩm tăng tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm phòng chống dịch Covid-19 là nguyên nhân chính làm CPI tháng 8/2021 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với tháng 8/2020. Tính chung 8 tháng năm 2021, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm2016. Lạm phát cơ bản 8 tháng tăng 0,9%.

Phương Dung