Nhiều hoạt động tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid -19

Lan tỏa yêu thương, xoa dịu nỗi đau!
Đèn hoa đăng sẽ được thả trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé để tưởng niệm người mất vì COVID-19.

Lễ tưởng niệm không chỉ mang ý nghĩa tâm linh với những người đã mất vì COVID-19 mà còn là sự sẻ chia xoa dịu những nỗi đau đối với người ở lại. Đồng thời, qua đó, góp phần lan tỏa những yêu thương, tiếp tục khích lệ tinh thần các lực lượng đã và đang tham gia phòng, chống dịch, phát huy truyền thống đại đoàn kết, ý chí quật cường của dân tộc, vượt qua khó khăn thách thức, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tính đến nay, Việt Nam đã mất hơn 23.200 đồng bào vì đại dịch COVID-19, có lẽ chưa bao giờ người nằm xuống vì dịch bệnh lại nhiều như thế. Các chính sách hỗ trợ nhân văn được ban hành kịp thời đã phần nào sẻ chia những mất mát, đau thương với thân nhân những người tử vong vì COVID-19.

Chia sẻ thương đau

Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt dịch COVID-19 thứ 4, số người tử vong vì Covid-19 của TP. Hồ Chí Minh chiếm tới 74% số người tử vong trên cả nước.

Không thể ở bên người thân trong những giây phút cuối khiến thân nhân những người tử vong do COVID-19 lại càng đau đớn hơn. Vào thời điểm ấy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh đã thông báo thành phố sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí mai táng đối với bệnh nhân tử vong do COVID-19. Mức hỗ trợ này được trích từ ngân sách với số tiền 17,4 triệu đồng cho mỗi ca tử vong.

Bên cạnh đó, thành phố còn có chính sách hỗ trợ bổ sung 2,5 triệu đồng/lượt hỏa táng đối với người có công, hộ nghèo, đảng viên có Huy hiệu 40 tuổi Đảng trở lên…; hỗ trợ 1,5 triệu đồng/lượt hỏa táng với đối tượng hưu trí, hộ cận nghèo, người dân có hộ khẩu tại TP. Hồ Chí Minh và miễn phí hỏa táng trẻ từ 6 tuổi trở xuống có hộ khẩu hoặc tạm trú.

Không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam có số người tử vong vì COVID-19 cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ chi phí mai táng, mức hỗ trợ tương đương tối thiểu 50 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội.

Tại Bình Dương, mỗi trường hợp tử vong vì COVID-19 được hỗ trợ 20 triệu đồng chi phí mai táng. Đối với bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong là công nhân lao động đã được Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương và doanh nghiệp hỗ trợ thì sẽ được chi thêm 10 triệu đồng. Những trường hợp tử vong không được cơ quan, tổ chức nào hỗ trợ sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cũng tạo điều kiện cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hoặc các trường hợp chưa liên lạc được với người nhà thì người bệnh COVID-19 tử vong vẫn được hỏa táng ngay và lưu trữ tro cốt trang nghiêm.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng có quyết định hỗ trợ 18 triệu đồng cho các gia đình tự tổ chức mai táng. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức mai táng nhưng không có thân nhân thì được hỗ trợ chi phí mai táng theo chi phí thực tế nhưng không vượt quá 18 triệu đồng.

Đến nay, hầu hết các địa phương đều đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ chi phí mai táng cho những người dân không may tử vong vì COVID-19. Các tổ chức chính trị-xã hội cũng đã kịp thời động viên, chia sẻ và hỗ trợ cho thân nhân những người tử vong do COVID-19.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động (tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn) tử vong do COVID-19 thì thân nhân của người lao động sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng/người tử vong và tặng sổ tiết kiệm 10-20 triệu đồng/cháu cho con của đoàn viên bị mồ côi cha mẹ do COVID-19.

Xoa dịu nỗi đau...

Trên cả nước, các địa phương, các tổ chức xã hội đều chung tay chăm lo cho những hoàn cảnh bơ vơ vì mất đi người thân, người chăm sóc vì COVID-19. Đó là những trẻ em mồ côi, những người già neo đơn...

Hon 23.000 dong bao tu vong vi COVID-19: Su cham lo, ho tro kip thoi hinh anh 1
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu thăm hỏi và tặng quà cho các em mồ côi vì COVID-19 tại quận 4.

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, địa phương này có 2.151 trẻ em mồ côi cha, mẹ vì COVID-19 và gần 400 người cao tuổi sống neo đơn do mất con, mất người trực tiếp nuôi dưỡng, lâm vào hoàn cảnh khó khăn... TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng chính sách hỗ trợ trị giá hơn 26 tỷ đồng cho những đối tượng này.

Đối với người cao tuổi neo đơn có con, người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng tử vong do COVID-19 sẽ được hỗ trợ từ 480.000-1.000.000 đồng/người/tháng, tùy hoàn cảnh. Ngoài ra, người cao tuổi neo đơn còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, thẻ miễn phí đi lại phương tiện công cộng, vé vào cửa các khu vui chơi, giải trí, câu lạc bộ thể dục thể thao...

Đối với trẻ em mồ côi do dịch COVID-19, TP. Hồ Chí Minh dự kiến hỗ trợ 2 mức 480.000/tháng và 800.000 đồng/tháng đến năm 18 tuổi tùy vào hoàn cảnh của từng em. Các em cũng được miễn học phí, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, cấp thẻ miễn phí khi đi lại bằng phương tiện cộng cộng…

Theo thống kê sơ bộ từ ngày 1/5 đến nay, số kinh phí và hiện vật ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 từ các doanh nghiệp, cá nhân qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lên tới trên 21.000 tỷ đồng.

Từ số kinh phí và hiện vật tiếp nhận được, đến nay Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phân bổ trên 18.000 tỷ đồng để trao tặng trên 3,9 triệu phần quà Đại đoàn kết, túi quà an sinh; hỗ trợ mua thiết bị vật tư y tế, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch; Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã chi hơn 7.000 tỷ đồng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Có nhiều doanh nghiệp đã trao hàng trăm tỷ đồng góp vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 như: Công ty Golf Long Thành ủng hộ 500 tỷ đồng, Tập đoàn Vingroup 480 tỷ đồng; Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel 450 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam mỗi đơn vị 400 tỷ đồng; Tập đoàn SunGroup 320 tỷ đồng…