Đẩy mạnh bán hàng đa phương tiện, thanh toán trực tuyến

Theo thông tin từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), trong 2 tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa trên thị trường thường tăng cao đột biến. Do đó, để chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu của người dân, các ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã lên các kịch bản, các phương án xây dựng nguồn cung hàng hóa.

Tại Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội đã xây dựng kế hoạch nhằm bảo đảm sản xuất, lưu thông, cân đối cung cầu, bình ổn thị trường mặt hàng thiết yếu gắn với việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 và đang giám sát, hỗ trợ các đơn vị cũng như doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện. Trong đó, thành phố ưu tiên cung ứng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng gà, vịt, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi; bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, xăng dầu, may mặc, điện máy, cùng với thiết bị y tế phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn…

Hà Nội cũng đã chuẩn bị phương án nếu dịch bệnh bùng phát mạnh, ngoài 28 hệ thống trung tâm thương mại; 123 hệ thống siêu thị; 449 chợ; 1.800 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa, 141 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, còn có thêm 2.500 địa điểm tại các quận, huyện làm kho và điểm bán hàng lưu động…

Tại TP. Hồ Chí Minh, ngành Công thương đã sớm kích hoạt chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường tết từ đầu quý III. Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà bán lẻ trên địa bàn đều chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào, phong phú và đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá dịp tết, cũng như các chương trình khuyến mại tập trung. Trong đó, đặc biệt ưu tiên đối với một số nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu là lương thực, thực phẩm...

Lên dây cót cung ứng hàng hóa và kiểm soát thị trường Tết
Đảm bảo ung ứng đủ hàng hóa và kiểm soát thị trường tết. Ảnh: TL

Đáng chú ý, dự báo, dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp trên diện rộng từ nay đến tết, các địa phương trong cả nước đều khuyến khích các doanh nghiệp, thương nhân đẩy mạnh hoạt động bán hàng online thông qua thương mại điện tử; sử dụng các kênh bán hàng đa phương tiện, theo hình thức trực tuyến, qua website, hotline, app…

Không để hàng kém chất lượng lộng hành

Vụ Thị trường trong nước cho hay đang sát sao theo dõi sát diễn biến thị trường từng ngày, kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương sử dụng linh hoạt các công cụ, các biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, hỗ trợ cho sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Đặc biệt, để kiểm soát về chất lượng hàng hóa dịp cuối năm, không để hàng giả, hàng kém chất lượng lộng hành trên thị trường, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn. Điển hình, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) vừa ban hành Kế hoạch số 07/KH-TCQLTT về Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Trao đổi phóng phóng viên TBTCO, ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ thực hiện từ ngày 1/12/2021 - 15/2/2022.

“Trước hết, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung cao độ kiểm soát thị trường các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống…cùng các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng, chống dịch bệnh; nhất quyết không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý”, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, một trong những chỉ đạo quyết liệt trong đợt cao điểm lần này là đưa ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.

Mặt khác, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hoá và người tiêu dùng để nâng cao ý thức pháp luật trong hoạt động kinh doanh và văn hoá tiêu dùng./.

Nhiều doanh nghiệp tung hàng giảm giá tới 50% để kích cầu

Thực hiện chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia 2021, nhằm kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp, hệ thống siêu thị đã tung ra nhiều chương trình khuyến mại, với mức giảm giá từ 30% - 50% cho hàng ngàn mặt hàng thiết yếu phục vụ đa dạng nhu cầu người tiêu dùng.

Đơn cử, chuỗi VinMart/VinMart+ sẽ tổ chức các chương trình khuyến mại trên nhiều ngành hàng để giúp người dân mua sắm được đa dạng sản phẩm. Hệ thống Co.op Mart cũng khuyến mại đến 53% với hàng ngàn sản phẩm. Siêu thị Emart cũng sẽ tung ra mức giảm giá đến 70%. Siêu thị Lotte Mart cũng áp dụng chương trình khuyến mại "mua 1 tặng 1" và "giảm giá đến 50%" cho hơn 1.000 mã sản phẩm là sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm…