thuoc lau

Thuốc kháng virus nhập khẩu trái phép. Ảnh: TL

Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tục phát hiện nhiều vụ việc làm giả, buôn lậu, buôn bán, vận chuyển trái phép qua biên giới các mặt hàng thuốc giả chữa trị khi bị nhiễm Covid-19 được sản xuất từ nước ngoài và thiết bị y tế phòng dịch... Các sản phẩm này, nếu đưa ra thị trường tiêu thụ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Gần đây nhất, ngày 27/8 vừa qua, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài kiểm tra và phát hiện lô hàng từ Nga về sân bay Nội Bài (Hà Nội) chứa 330 hộp thuốc Arbidol - mặt hàng được quảng cáo trên thị trường dùng trong điều trị Covid-19 (Arbidol là thuốc kháng virus được sử dụng để điều trị bệnh cảm cúm ở Nga và Trung Quốc) và nhiều bộ kit test nhanh Covid-19.

Trước đó, ngày 17-18/8, tại một kho hàng ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội kiểm tra hàng hóa thuộc 2 tờ khai có dấu hiệu nghi vấn, được vận chuyển trên chuyến bay từ Ấn Độ về sân bay quốc tế Nội Bài.

Theo khai báo hải quan, hàng hóa là hàng mẫu và thực phẩm bổ sung. Trong đó một tờ khai được mở theo loại hình phi mậu dịch, một tờ khai mở theo loại hình nhập kinh doanh tiêu dùng. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra lực lượng Hải quan thu giữ gần 1.500 hộp thuốc Favipiravir Tablets, đây là hàng hóa nhập khẩu có điều kiện nhưng thời điểm kiểm tra không có giấy tờ theo quy định. Được biết, Favipiravir Tablets là thuốc kháng virus do Ấn Độ sản xuất.

Ngày 21/8, lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh đã triệt phá đường dây sản xuất, mua bán thuốc điều trị Covid-19 giả và trang thiết bị y tế không rõ nguồn gốc.

Cuối tháng 8, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện xe ô tô tải mang BKS 89H-00755 đang lưu thông trên đường tránh quốc lộ 1A thuộc địa bàn huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Qua đó, phát hiện trên xe chứa 81 bao với khoảng 16.500 bộ quần áo bảo hộ y tế không có nhãn mác.

Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được giấy tờ hợp pháp theo quy định liên quan đến số hàng vận chuyển trên. Bước đầu, lái xe khai nhận chở thuê số hàng trên cho một người phụ nữ trú ở xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng về tỉnh Nghệ An. Hiện, Cục Quản lý thị trường Hà Nam đang phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hà Nam xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật./.

Tố Uyên