Cổ phiếu đầu cơ vẫn chưa dứt đà bán tháo

Thị trường chung hôm nay chán nản, nhưng chán nhất là những nhà đầu tư đang ôm cổ phiếu đầu cơ. Tình trạng mất thanh khoản không còn nhiều, nhưng đa số các mã đầu cơ lại thủng đáy và đang giảm tiếp. Mức lỗ quá lớn khiến nhiều người không muốn hiện thực hóa, trong khi nếu cứ giữ thì lỗ càng ngày càng tăng.

Sàn HoSE hôm nay có 22 cổ phiếu giảm hết biên độ, trong đó 17 cổ phiếu không thể bán được do mất thanh khoản. Đó chỉ là phần nổi dễ thấy nhất, còn hơn 140 mã đóng cửa giảm trên 1% hôm nay, phần lớn là hàng đầu cơ, đang khiến tài khoản bốc hơi từng ngày.

Lo ngại ảnh hưởng quốc tế, thị trường quay đầu giảm
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Nhiều cổ phiếu đầu cơ áp lực bán vẫn còn rất lớn: CII, DIG, ROS, LDG, FCN, NBB... giao dịch hàng chục tới hàng trăm tỷ đồng trong phiên mà vẫn không thể thoát khỏi giá sàn. Dư bán sàn vẫn ổn định ở mức cao suốt nhiều phiên cho thấy vẫn có nhiều nhà đầu tư cố gắng thu về lượng tiền còn sót lại, dù đã lỗ rất nhiều. CII đã giảm gần 53% kể từ đỉnh, DIG giảm 34%, ROS giảm 57,6%, LDG giảm 44,3%, FCN giảm 40,8%...

Lực bán ở nhiều mã đầu cơ duy trì mạnh một phần vì có nhịp bắt đáy quá sớm tuần trước. Do giá rơi nhanh và sâu, nên lòng tham nổi lên, kích thích dò đáy. Tuy vậy khi giá đã giảm thủng đáy rất nhanh thì lượng hàng T3 về bắt đầu lỗ. Các nhà đầu tư bắt đáy trượt có mức lỗ nhẹ hơn các nhà đầu tư mắc kẹt tại đỉnh, nên dễ quyết định cắt lỗ hơn. Vòng xoay bắt đáy và cắt lỗ kiểu này sẽ còn xảy ra đến khi giá trả lại hết những gì được “bơm thổi”.

Nhóm cổ phiếu blue-chips hôm nay cũng yếu, nhưng là dao động giá thông thường. Cổ phiếu ngân hàng quay đầu giảm sau vài phiên tăng tốt. VCB bốc hơi 3,7% giá trị, mạnh nhất trong vòng 2 tháng nhưng từ đầu tháng 1 đến nay đã tăng hơn 20%. CTG từ đầu tháng đến hôm qua tăng hơn 11%, hôm nay đảo chiều giảm 1,99%. VPB trong 8 phiên gần nhất tăng 8,6%, hôm nay trả lại 1,25%...

Riêng nhóm cổ phiếu chứng khoán hôm nay lại khá tốt. Ngược với các mã ngân hàng, nhóm chứng khoán vừa trải qua một đợt giảm mạnh, nên giá lại hồi. SSI tăng 2,24%, VCI tăng 1,29%, VND tăng 3,34%, HCM tăng 2,86%... Một số mã nhỏ như VUA, BSI, FTS còn kịch trần...

VN30-Index đóng cửa hôm nay chỉ giảm nhẹ 0,57% với 10 mã tăng và 17 mã giảm. Chỉ số này sau khi hồi mạnh hôm 25/1 đã duy trì độ cao khá tốt cho thấy khả năng giữ giá của blue-chips vẫn tốt hơn hẳn các mã đầu cơ.

Lo ngại kỳ nghỉ dài

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện không có thông tin gì đặc biệt. Kết quả kinh doanh quý IV/2021 cho đến lúc này vẫn khá tích cực. Tuy nhiên điều mới là chứng khoán thế giới lại đang chao đảo mạnh dưới áp lực tăng lãi suất của FED.

Liên tục 3 phiên vừa qua chứng khoán thế giới rung lắc cực mạnh, giảm sâu rồi hồi lên nhưng vẫn trong xu hướng giảm. SP500 từ đầu tháng 1 tới hôm qua đã bốc hơi 8,7% giá trị. Việc FED tăng lãi suất tuy chưa ảnh hưởng gì đến chính sách vĩ mô của Việt Nam, nhưng thị trường chứng khoán thế giới rúng động cũng sẽ có tác động liên thông.

Rắc rối là ở chỗ nhưng sự kiện lớn trên thế giới cũng như diễn biến bất thường của chứng khoán toàn cầu có thể xảy ra đúng vào lúc chứng khoán Việt Nam nghỉ tết. Đây là rủi ro không thể kiểm soát được, do đó nhà đầu tư có xu hướng ít giao dịch lúc này. Thanh khoản hai hôm nay đã xuống rất thấp, thậm chí phiên này tổng giá trị khớp hai sàn niêm yết chỉ còn hơn 17,1 ngàn tỷ đồng.

Thanh khoản giảm đột ngột cho thấy không phải vấn đề nằm ở dòng tiền, mà ở tâm lý. Nếu chứng khoán thế giới giảm tiếp trong kỳ nghỉ tết thì có nguy cơ thị trường Việt Nam sẽ giảm bù sau đó. Do vậy cơ hội mua có thể ở thời điểm ra tết, chứ không phải lúc này. Nói chung đây là khó khăn trong việc xác định thời điểm, nhà đầu tư không sẵn sàng đặt cược vào diễn biến sau tết cũng là tâm lý thông thường.

Lo ngại ảnh hưởng quốc tế, thị trường quay đầu giảm

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

15.545 tỷ đồng (-29%)

498,3 triệu (-35%)

1.617 tỷ đồng (+3%)

51,7 triệu (-1%)