Tuy nhiên, để loại trừ tối đa các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, nhưng vẫn bảo đảm được sự phát triển của các ngành kinh tế, các lĩnh vực sản xuất, cần có sự vào cuộc của các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, và sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân và toàn xã hội.

Việt Nam cùng 198 quốc gia tham gia bảo vệ tầng ô-dôn

Bà Nguyễn Đặng Thu Cúc - Phó Giám đốc Dự án quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn tại Việt Nam cho biết, dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (HCFC) của Việt Nam giai đoạn II được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Văn kiện tháng 6/2018 và ký hiệp định tài trợ tháng 3/2019.

Với sự phối hợp chặt chẽ của Ngân hàng Thế giới, các bộ, ngành, các cơ quan tổ chức trong nước, đến nay Dự án đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực, đóng góp cho công tác bảo vệ tầng ô-dôn ở Việt Nam, giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal.

Loại trừ chất làm suy giảm tầng ô-dôn cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án kế hoạch quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn của Việt Nam giai đoạn II. Ảnh: TN

Việt Nam phê chuẩn tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal từ năm 1994. Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức tích cực triển khai và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Bà Nguyễn Đặng Thu Cúc cho biết, từ năm 2010, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn các chất CFC, Halon, CTC; Từ năm 2015, chất Methyl Bromide chỉ được nhập khẩu cho mục đích khử trùng và kiểm dịch hàng xuất khẩu; Từ năm 2013 đến nay, các chất HCFC được quản lý, loại trừ theo lộ trình đã cam kết thông qua quản lý hạn ngạch nhập khẩu và sẽ phải dừng hoàn toàn việc nhập khẩu, sử dụng vào năm 2040.

Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn được các Bên tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn phê chuẩn thông qua năm 1987 sau khi các nhà khoa học phát hiện ra lỗ thủng tầng ô-dôn và những hệ lụy đến sức khỏe con người như ung thư da, đục thủy tinh thể, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và môi trường.

Đây được đánh giá là một trong những điều ước quốc tế thành công nhất với 198 quốc gia phê chuẩn tham gia. Lỗ thủng tầng ô-dôn ngày càng thu hẹp lại và được dự báo sẽ trở lại hoàn nguyên như năm 1980 vào giữa thế kỷ này.

Từ năm 2024, các môi chất lạnh nhân tạo (HFC) bắt đầu được quản lý và loại trừ theo lộ trình thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal mà Việt Nam phê chuẩn tham gia năm 2019.

Ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, các chất làm suy giảm tầng ô-dôn nói chung, các chất HCFC nói riêng được sử dụng phổ biến làm môi chất lạnh trong điều hòa không khí, hệ thống điều hòa không khí trung tâm, tủ lạnh, kho lạnh và làm chất trợ nở trong sản xuất xốp nên việc hạn chế sử dụng các chất này chỉ thực sự hiệu quả khi có các chất thay thế và theo lộ trình phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, cũng như khả năng chuyển đổi công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Trong giai đoạn 2012 - 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn I: hỗ trợ 11 doanh nghiệp sản xuất xốp cách nhiệt chuyển đổi công nghệ không sử dụng HCFC-141b, góp phần loại trừ 1.300 tấn, hợp tác với cơ quan hải quan tổ chức nhiều hoạt động tăng cường năng lực về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu và đào tạo cho kỹ thuật viên về quản lý rò rỉ môi chất lạnh. Qua đó, Việt Nam đã thực hiện tốt nghĩa vụ loại trừ 10% lượng tiêu thụ cơ sở các chất HCFC.

Loại trừ hoàn toàn chất làm suy giảm tầng ô-dôn vào năm 2040

Tiếp nối các kết quả trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ngân hàng Thế giới triển khai Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II (2018 - 2023), nhằm tuân thủ nghĩa vụ loại trừ 35% lượng tiêu thụ cơ sở các chất HCFC.

Đến nay, Việt Nam đã đạt được một số kết quả như: Loại trừ tiêu thụ 1.000 tấn HCFC-22 trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí gia dụng, lĩnh vực sản xuất thiết bị lạnh, lĩnh vực dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh. Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất điều hòa không khí duy nhất của Việt Nam và một số doanh nghiệp sản xuất thiết bị lạnh chuyển đổi công nghệ không sử dụng ga R-22. Việt Nam đã quy định cấm nhập khẩu điều hòa không khí sử dụng ga R-22 từ ngày 7/1/2022.

Loại trừ chất làm suy giảm tầng ô-dôn cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Để loại trừ tối đa các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của khối tư nhân và toàn xã hội. Ảnh: TL

Loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b trộn sẵn trong polyol trong lĩnh vực sản xuất xốp cách nhiệt; Hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xốp chuyển đổi hoàn toàn sang công nghệ sử dụng cyclo pentane. Việt Nam đã quy định cấm nhập khẩu HCFC-141b trộn sẵn trong polyol, có hiệu lực từ ngày 7/1/2023.

Bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ giảm 35% lượng tiêu thụ cơ sở các chất HCFC trong giai đoạn 2020 - 2024. Báo cáo lượng tiêu thụ hằng năm của Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2024 cho thấy ở mức nhập khẩu dưới 2.600 tấn/năm.

“Trong gần 4 thập kỷ qua, Nghị định thư Montreal được minh chứng là công cụ hiệu quả và sẽ tiếp tục là như vậy trong việc bảo vệ sức khỏe con người, thiên nhiên và khí hậu trên quy mô toàn cầu. Trong thời gian tới, Cục Biến đổi khí hậu tiếp tục phối hợp Ngân hàng Thế giới, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế cùng nghiên cứu các giải pháp, tham mưu tốt cho Bộ Tài nguyên và Môi trưởng, Chính phủ triển khai các hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn, việc thực hiện Nghị định thư Montreal, trong đó có Bản sửa đổi, bổ sung Kigali tại Việt Nam” - ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu.

Giảm lượng phát thải khí nhà kính từ việc sử dụng các công nghệ thay thế không có tiềm năng làm suy giảm tầng ô-dôn và tiềm năng nóng lên toàn cầu thấp. Các công nghệ thay thế trong các lĩnh vực đều là công nghệ không làm suy giảm tầng ô-dôn, ít phát thải (cyclo pentane, NH3, CO2).

Ông Tăng Thế Cường cho biết, nhằm tránh sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu (0,5°C) vào cuối thế kỷ này và hy vọng sẽ tăng gấp đôi nếu được triển khai cùng với các giải pháp tiết kiệm năng lượng, Việt Nam đang song song triển khai các hoạt động loại trừ các chất HCFC để loại trừ hoàn toàn vào năm 2040 và loại trừ dần các chất HFC tiến tới loại trừ 80% mức tiêu thụ cơ sở vào năm 2045; đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính song vẫn bảo đảm được sự phát triển của các ngành kinh tế, các lĩnh vực sản xuất.

Đây là những mục tiêu đặt ra cho các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, và sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân và toàn xã hội.

Phát biểu tại Hội thảo tổng kết Dự án kế hoạch quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn của Việt Nam giai đoạn II, ông Ahmed Eiweida - Trưởng Ban phát triển bền vững, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong thời gian qua.

Dự án quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn tại Việt Nam đã giúp nâng cao năng lực cho các bên liên quan, đồng thời, để lại nhiều bài học thực tiễn quan trọng đóng góp cho lộ trình quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn HCFC, các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao HFC trong thời gian tới./.