Chú thích ảnh

Đáng chú ý, toàn bộ 10 mặt hàng trong nhóm kim loại đóng cửa trong sắc xanh. Trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá phần lớn các mặt hàng đang phục hồi và tăng mạnh. Nổi bật, giá giao dịch mặt hàng cà phê Robusta đã vượt mốc 5.000 USD/tấn. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index tăng 1,08%

Thị trường kim loại rực xanh sau khi Mỹ công bố lạm phát xuống thấp

Thị trường kim loại đã trải qua ngày giao dịch khởi sắc khi tất cả các mặt hàng đồng loạt tăng giá. Đối với kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim đều tăng hơn 1%, lần lượt đóng cửa tại mức 28,93 USD/ounce và 956,2 USD/ounce. Giá kim loại quý được hưởng lợi sau khi Mỹ công bố số liệu lạm phát hạ nhiệt, giúp thị trường xác nhận Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 9.

Chú thích ảnh

Cụ thể, theo dữ liệu Cục Thống kê Lao động của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm qua, tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với dự báo và hạ thấp so với mức tăng 2,9% của tháng trước. Ngoài ra, chỉ số CPI lõi, loại trừ giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, giữ ở mức 3,2% trong tháng thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, tính trên cơ sở hàng tháng, chỉ số CPI lõi bất ngờ tăng 0,3% trong tháng 8. Con số này cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo và là mức cao nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây.

Số liệu CPI lõi bất ngờ tăng trên cơ sở hàng tháng đã làm suy giảm khả năng FED sẽ cắt lãi suất quy mô lớn. Tuy nhiên, nhìn chung, báo cáo này tiếp tục xác nhận rằng lạm phát tại Mỹ vẫn đang trên đà giảm về mức mục tiêu 2%, qua đó cho phép FED cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tuần sau, dự kiến là 25 điểm cơ bản. Giá bạc, bạch kim vì thế cũng được hưởng lợi do môi trường lãi suất thấp là môi trường đầu tư có lợi cho kim loại quý.

Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX đã trải qua phiên biến động khá mạnh trong ngày hôm qua. Tuy vậy, nhờ lực mua chiếm ưu thế hơn, giá đồng COMEX chốt phiên với mức tăng 1,07% lên 9.131 USD/tấn. Mặc dù triển vọng tiêu thụ ảm đạm vẫn còn gây sức ép nặng nề lên giá đồng, tuy vậy, sự hỗ trợ của yếu tố vĩ mô đã giúp giá đồng phục hồi trong phiên giao dịch hôm qua. Ngoài ra, rủi ro nguồn cung thu hẹp tại các công ty cung cấp đồng lớn cũng góp phần thúc đẩy lực mua đồng trong phiên.

Cụ thể, theo dữ liệu từ Ủy ban đồng Chile Cochilco, sản lượng đồng của Codelco, nhà cung cấp đồng lớn nhất thế giới, chỉ đạt 111.400 tấn trong tháng 7, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nhà cung cấp đồng này vẫn đang phải vật lộn với tình trạng suy giảm sản lượng do hoạt động khai thác gặp gián đoạn tại các mỏ, đặc biệt là tại Chile.

Giá cà phê Robusta tăng phiên thứ ba liên tiếp

Theo ghi nhận của MXV, giá cà phê Robusta tăng phiên thứ ba liên tiếp, đưa giá giao dịch vượt 5.000 USD/tấn. Trong khi, giá cà phê Arabica giảm nhẹ 0,2% so với tham chiếu. Dữ liệu xuất khẩu cà phê kỷ lục tại Brazil bước đầu gây áp lực lên giá cà phê Arabica trong khi tình trạng khan hiếm cà phê cuối vụ tại Việt Nam lại hỗ trợ giá cà phê Robusta.

Chú thích ảnh

Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE) cho biết, quốc gia này đã xuất đi 3,73 triệu bao cà phê trong tháng 8, tăng 0,7% so với tháng 8/2023 và là lượng cà phê xuất khẩu theo tháng lớn nhất so với cùng kỳ các năm trong lịch sử. Trong hai tháng đầu năm thu hoạch 24/25, Brazil xuất khẩu ra nước ngoài 7,5 triệu bao, tăng 11,8% so với cùng kỳ vụ 23/24.

Trước đó, kết quả thống kê tháng 8 của Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ (MDIC) cũng cho thấy Brazil đã xuất khẩu khoảng 3,8 triệu bao cà phê loại 60 kg vào tháng 8/2024, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới đã xuất đi 32,1 triệu bao cà phê loại 60 kg, tăng 40,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhu cầu tăng cao từ các quốc gia nhập khẩu trong khi nguồn cung có sẵn ngay sau thu hoạch đã tạo điều kiện thuận lợi cho quốc gia Nam Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong khi đó, tại Việt Nam - quốc gia cung ứng cà phê Robusta lớn nhất thế giới, nguồn cung khan hiếm do vào cuối vụ nên khối lượng xuất thấp. Theo ước tính từ Tổng cục Thống kê (GSO), trong tháng 8, nước ta xuất khoảng 73.000 tấn cà phê, giảm 14,1% so với tháng 8/2023. Tính chung 8 tháng đầu năm, 1,05 triệu tấn cà phê đã xuất khẩu, giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm trước.

Một diễn biến đáng chú ý khác trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, đóng cửa hôm qua, giá ca cao tăng vọt gần 6,3% lên mức 7.728 USD/tấn. Năm nay, giá ca cao toàn cầu tăng mạnh do dịch bệnh và thời tiết bất lợi tại Ghana và Bờ Biển Ngà - nơi cung cấp hơn 60% ca cao thế giới, và đẩy thị trường vào tình trạng thâm hụt lần thứ ba liên tiếp. Mới đây, theo một nguồn tin nước ngoài, Ghana đã tăng gần 45% giá thu mua ca cao để tăng lợi nhuận cho người nông dân và ngăn chặn nạn buôn lậu hạt ca cao.

Bên cạnh đó, giá đường thô cũng tăng 1,4% khi thị trường chờ đợi Tập đoàn công nghiệp mía đường UNICA công bố dữ liệu sản lượng đường nửa cuối tháng 8 của Trung Nam, vùng trồng mía đường lớn nhất tại Brazil. Dự kiến, sản lượng có thể giảm so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng từ khô hạn kéo dài./.