Phóng viên tác nghiệp tại các khu cách ly, khu điều trị bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm cao.
Phóng viên tác nghiệp tại các khu cách ly, khu điều trị bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm cao.

>> Chính sách tài khóa đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Lực lượng tiên phong chống dịch

Theo ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, báo chí là một trong các lực lượng tiên phong trên tuyến đầu chống dịch. Hàng ngày, các cơ quan báo chí thuộc các loại hình báo chí trên cả nước đã đăng phát hàng chục nghìn tin bài, sản phẩm báo chí tuyên truyền, truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng chống dịch, phản ánh kịp thời cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên cả nước.

Trên thực tế gần 2 năm qua, báo chí là lực lượng trực tiếp cùng xung trận với y tế, công an, quân đội. Chưa bao giờ thông tin về tình hình dịch bệnh lại đầy đủ, toàn diện, minh bạch, quy mô lớn như hiện nay. Bên cạnh việc đưa tin kịp thời, chính xác, báo chí có nhiều bài phân tích, nhiều phóng sự sâu sắc, thể hiện tinh thần dấn thân, quả cảm của các nhà báo.

Những đóng góp của báo chí đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá, ghi nhận. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thời kỳ nào cũng vậy, các nhà báo luôn là những chiến sỹ dũng cảm trên tất cả các mặt trận. “Chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh các nhà báo tác nghiệp quên mình trong phòng chống tội phạm, thiên tai, bão lũ, những điểm nóng ở mọi nơi, mọi lúc và đặc biệt trong thời gian gần đây là những chiến sỹ báo chí giữa tâm dịch Covid-19 để thông tin kịp thời, chính xác tình hình đến công chúng. Chúng ta tự hào và khẳng định báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần quan trọng để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay” - Thủ tướng Chính phủ khẳng định.

Hỗ trợ cơ quan báo chí và người làm báo

Dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội, báo chí không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó. Ngay từ năm ngoái khi dịch bắt đầu bùng phát, Hội Nhà báo Việt Nam đã có công văn số 73/CV-HNBVN ngày 31/3/2020 đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ các cơ quan báo chí và người làm báo do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo Hội Nhà báo Việt Nam, dịch bệnh đã khiến các cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn; doanh thu phát hành, quảng cáo sụt giảm từ 40% - 50%; chi phí cho phóng viên tác nghiệp trong khu vực có dịch tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động của tòa soạn cũng như đời sống người làm báo.

Do vậy, Hội Nhà báo Việt Nam đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các cơ quan báo chí được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế. Đồng thời, cho phép các cơ quan báo chí được sử dụng quỹ phát triển sự nghiệp để chi cho một số hoạt động phục vụ công tác bảo vệ, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trong cơ quan như mua sắm vật tư, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác phòng chống dịch của cơ quan và phóng viên tác nghiệp tại hiện trường…

Theo ông Hồ Quang Lợi, báo chí không chỉ thực hiện các nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước như doanh nghiệp mà hơn thế, báo chí còn là lực lượng tham gia chống dịch bằng chính nguồn kinh phí của mình.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho rằng các cơ quan báo chí xứng đáng được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân; miễn tiền phạt chậm nộp thuế, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí trong bối cảnh nguồn thu suy giảm mạnh.

Báo chí trên tuyến đầu, đáng cảm phục và tự hào

“Về lâu dài, để các cơ quan báo chí giải quyết được bài toán nguồn thu và tự chủ về tài chính là một vấn đề có tính cốt lõi trong kinh tế báo chí. Đó là việc lâu dài, còn ngay lúc này, báo chí phải tiếp tục tham gia vào cuộc chiến chống đại dịch một cách hiệu quả. Hiện tại, đội ngũ phóng viên của nhiều cơ quan báo chí đang sát cánh cùng đồng bào và chiến sỹ cả nước trên tuyến đầu chống dịch với tinh thần quả cảm, tận hiến, hy sinh. Đó là điều rất đáng cảm phục và tự hào!” - Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)