trang 7

Cộng tác viên BHYT tại thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) kê khai danh sách tham gia theo hộ gia đình

Với các cam kết của Chính phủ hiện nay về mức hỗ trợ cho người tham gia và chính sách tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, chỉ tiêu đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) 80% dân số vào năm 2020 sẽ sớm đạt được.

Nhiều hỗ trợ người tham gia

Theo BHXH Việt Nam, tổng kinh phí và hỗ trợ mức đóng BHYT giai đoạn 2013- 2015 là gần 62.800 tỷ đồng, chiếm 39% tổng số thu từ tiền đóng BHYT, bình quân mỗi năm tăng chi hỗ trợ mua BHYT khoảng 4.300 tỷ đồng so với năm 2012. Việt Nam đang từng bước thay thế cơ chế chi trả trực tiếp cho các cơ sở y tế sang hỗ trợ trực tiếp cho người dân.

Với mục tiêu an sinh xã hội, Luật BHYT 2014 quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tham gia, mở rộng phạm vi quyền lợi bảo hiểm và mức hưởng, nhằm giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với một số đối tượng chính sách. Trong đó, bãi bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ gia đình cận nghèo.

Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh (KCB) đối với người dân xã đảo, huyện đảo và người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Đối với các địa phương có kết dư quỹ BHYT thì được sử dụng 20% để hỗ trợ quỹ khám chữa bệnh người nghèo, mua thẻ cho một số đối tượng và nâng cao chất lượng KCB BHYT.

BHXH Việt Nam cho biết, đến nay, tỷ lệ dân số tham gia BHYT vượt mốc 76,15% dân số. Hiện đã có 56 tỉnh, thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo hoặc kế hoạch tổ chức thực hiện Quyết định số 1584/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2015 - 2020. Đã có 43 tỉnh, thành phố đã trích ngân sách địa phương hỗ trợ thêm mức đóng BHXH cho hộ cận nghèo, trong đó 29 tỉnh hỗ trợ cả 30%, 14 tỉnh hỗ trợ dưới 30%.

Ông Nguyễn Đình Khương cho rằng, với các cam kết của Chính phủ hiện nay về mức hỗ trợ cho người tham gia và chính sách tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, chỉ tiêu đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 80% dân số vào năm 2020 sẽ sớm đạt được. “Việt Nam sẽ là quốc gia thứ hai ở châu Á sau Hàn Quốc hoàn thành việc thực hiện BHYT toàn dân trong tương lai không xa”- ông Khương nhấn mạnh. (Năm 1989, Hàn Quốc đạt được mục tiêu bao phủ toàn dân với tỷ lệ 90,39% người dân tham gia).

Chuyển từ hỗ trợ bệnh viện sang hỗ trợ mua BHYT

Tuy tỷ lệ tham gia BHYT nhìn chung đảm bảo chỉ tiêu được giao, nhưng tỷ lệ tham gia thấp tập trung ở một số nhóm đối tượng đặc thù như: Hộ gia đình, người lao động thuộc các doanh nghiệp tư nhân, người thuộc hộ cận nghèo, gia đình làm nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình. Chính phủ đã bố trí kinh phí để mở rộng nhóm đối tượng được hỗ trợ tham gia BHYT nhưng chưa xây dựng lộ trình cụ thể thực hiện việc chuyển từ cấp ngân sách nhà nước (NSNN) cho bệnh viện sang hỗ trợ mua BHYT.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã quan tâm đầu tư để xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các cơ sở KCB, thực hiện các đề án giảm tải cũng như xã hội hóa việc KCB BHYT. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên, chất lượng chuyên môn của các cơ sở y tế các tuyến chưa đồng đều…

Để khắc phục những thách thức này, ông Nguyễn Đình Khương cho rằng, cần xây dựng lộ trình cụ thể chuyển từ cấp NSNN trực tiếp cho cơ sở y tế sang hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong cấp thẻ; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về BHYT; đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả giảm tải, nâng cao chất lượng dịch vụ của các bệnh viện, y đức của cán bộ y tế.

Cần có chính sách tạo điều kiện để bệnh nhân BHYT mắc các bệnh mãn tính được nhận thuốc chữa trị tại trạm y tế xã, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân và giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Mở rộng và tăng phạm vi chi trả khám chữa bệnh BHYT tại tuyến xã cho người dân vùng đặc biệt khó khăn. Bảo đảm đủ nhân lực phục vụ bệnh nhân ở các bệnh viện tuyến trung ương, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm tải.

Theo ông Nguyễn Đình Khương, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh bảo đảm liên thông giữa bệnh viện với cơ quan BHXH. Bên cạnh đó là nâng cao năng lực trong quản lý, cấp thẻ, giám định KCB BHYT, thanh quyết toán, bảo vệ quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm, tổ chức thu BHYT theo hộ gia đình, BHYT học sinh hợp lý.

Nguyên tắc đóng BHYT theo hộ gia đình: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ 2 đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất; người thứ 3 đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất; người thứ 4 đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Mai Lâm