PV: Thưa ông, ông có bình luận gì về thu hút FDI của Việt Nam trong năm vừa qua, khi mà đại dịch Covid-19 tác động nặng nề tới nền kinh tế?

Năm 2022 chắc chắn sẽ tốt hơn nữa
Ông Nguyễn Văn Toàn

Ông Nguyễn Văn Toàn: Mặc dù kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng vốn FDI vẫn tiếp tục về Việt Nam và Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong thu hút vốn FDI toàn cầu. Năm 2020, cho dù FDI trên thế giới sụt giảm mạnh nhưng Việt Nam chỉ sụt giảm nhẹ và Việt Nam thuộc nhóm 20 nước thu hút FDI lớn nhất thế giới. Năm 2021, tỷ lệ thu hút FDI có giảm nhưng con số giảm nhẹ và vẫn tương đương với mức thu hút của năm 2020. Đây là con số rất tích cực và là một điểm sáng đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 đầy sóng gió này.

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân của kết quả này?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Kết quả này một phần do xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới. Cùng với đó là môi trường đầu tư kinh doanh cũng như chính sách, thủ tục hành chính của Việt Nam đã có những cải thiện nhất định nên các doanh nghiệp FDI vẫn trụ lại và vẫn phát triển tốt hơn. Sự phát triển, đứng vững được trong dịch bệnh của mỗi doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có tác động tích cực trong thu hút tiếp các doanh nghiệp (DN) FDI khác tiếp tục vào Việt Nam. Không có sự quảng bá hút vốn FDI nào tốt hơn tiếng nói của các DN đã làm ăn ở Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và vẫn phát triển.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trong thời gian vừa qua, các đoàn DN nước ngoài vào Việt Nam rất khó khăn do áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, bệnh đặc biệt là giai đoạn Zero Covid nên cũng ảnh hưởng trực tiếp đến lượng vốn vào. Tuy nhiên, bình quân nguồn vốn tốt cho thấy các DN FDI vẫn bám sát Việt Nam, tiếp tục đổ đầu tư vào Việt Nam. Vốn đầu tư trung bình của một dự án giai đoạn 2020 và 2021 cao hơn nhiều so với trước đó. Thực ra, trong điều kiện giãn cách thì những DN nhỏ khó vào Việt Nam, tuy nhiên những DN lớn có nhiều cách hơn và có nhiều kế hoạch dài hạn hơn nên những dự án có nguồn vốn từ cấp trung bình trở lên vẫn được tiếp tục gia tăng. Điều này rất tích cực. Thêm vào đó, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã thay đổi bắt kịp với xu thế của thế giới, tức là không theo đuổi mô hình Zero Covid nữa mà chuyển sang mô hình thích ứng linh hoạt, sống chung với Covid, vừa phát triển sản xuất, vừa chống dịch. Đây là một tín hiệu tốt, có tác dụng tích cực tới tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài, khiến họ yên tâm hơn khi vào Việt Nam.

PV: Nguồn vốn FDI đổ về Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tích cực trong năm 2022. Quan điểm của ông về dự báo này như thế nào khi tình hình Covid-19 vẫn đang hết sức bất định? Các thành viên của Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài có ý định mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Nhiều DN FDI vẫn phát triển tốt ở Việt Nam và chưa có DN FDI rời khỏi Việt Nam trong thời kỳ đại dịch. Trước đây, DN FDI còn có những “lăn tăn” nhưng bây giờ DN đã yên tâm hơn rất nhiều khi Việt Nam đã chuyển đổi mô hình chống dịch, từ Zero Covid sang mô hình sống chung với dịch, thích ứng linh hoạt. Nhiều thành viên của Hiệp hội DN FDI cho biết, họ vẫn duy trì kinh doanh và sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới. Một tín hiệu rất tích cực nữa là Việt Nam đang rất khẩn trương triển khai hộ chiếu vắc-xin. Nếu triển khai được sớm và link ra được với nhiều nước công nhận lẫn nhau về hộ chiếu vắc-xin, thì chuyện đi lại giữa các chuyên gia và các đoàn DN tới Việt Nam sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, tạo thuận lợi cho việc thu hút FDI.

Chuyển đổi số tạo cơ hội thu hút FDI tốt hơn

“Covid-19 là cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tạo nền tảng thu hút nguồn FDI có chất lượng trong thời gian tới. Hiện nay Việt Nam đang phát triển mạng 5G. Đây là một tín hiệu rất tích cực, thể hiện quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số của Việt Nam, bởi vì khi đầu tư mạnh vào chuyển đổi số và có bứt phá thì trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế sẽ có những bước nhảy vọt, qua đó thu hút FDI tốt hơn” - ông Nguyễn Văn Toàn nhận định.

Việc giải quyết những rào cản, vướng mắc trong mỗi lĩnh vực đầu tư cụ thể, nếu chúng ta làm tốt và làm đồng bộ, kiên quyết thì sẽ tạo thuận lợi hơn rất nhiều trong xúc tiến thương mại cũng như thu hút FDI trong thời gian tới. Năm 2022, với tình hình tiến triển như hiện nay, thậm chí Covid có thể tăng lên nhưng với những gì nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện, việc đi đúng hướng trong phòng chống dịch theo xu thế chung của thế giới và việc thực thi có hiệu quả các hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA, CPTPP… chắc chắn rằng, thu hút FDI sẽ tốt lên.

PV: Theo ông, Việt Nam cần làm gì để thu hút và giữ chân được nguồn FDI chất lượng cao trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Rõ ràng là vẫn phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng. Đây là các giải pháp đã được đề cập rất nhiều và từ lâu. Thứ hai là phải thực thi các cam kết. Đó là các cam kết của Thủ tướng Chính phủ và các cam kết của những người đứng đầu các địa phương, các thành phố lớn với các nhà đầu tư. Cần phải biến các cam kết trở thành hiện thực, cho các nhà đầu tư thấy được những cam kết này không chỉ là lời hứa suông. Khi chúng ta thực hiện tốt thì lòng tin của các nhà đầu tư sẽ được củng cố rất nhiều và họ sẽ thấy được Việt Nam là một mảnh đất mà họ có thể yên tâm đầu tư kinh doanh và phát triển.

Bên cạnh đó là thực thi các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết trong đó có các hiệp định như EVFTA, CPTPP…

Ngoài ra, một điều rất quan trọng và cụ thể là cần phải ban hành sớm những tiêu chí đánh giá các dự án được ưu tiên là dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn. Đặc biệt là phát triển các trung tâm nghiên cứu phát triển, để thúc đẩy được chất lượng của nguồn vốn FDI. Phía Hiệp hội DN FDI cũng đề xuất quan điểm, đó là nên có những cơ chế đặc biệt cho những trung tâm nghiên cứu phát triển, bởi những trung tâm nghiên cứu phát triển này sử dụng rất ít đất đai và tài nguyên nhưng đem lại hiệu quả rất cao cả trực tiếp và gián tiếp về phát triển công nghệ trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Chính phủ rất cầu thị và lắng nghe doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, vừa qua, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các DN nêu lên những khó khăn, rào cản trong quá trình sản xuất kinh doanh và đầu tư. Đó là một trong những biểu hiện rất cụ thể cho động thái cầu thị, lắng nghe DN của Chính phủ, mặc dù cần thời gian để có phản ứng chính sách.

Có rất nhiều vướng mắc từ vĩ mô cho tới vi mô đã được phản ánh trực tiếp lên các cơ quan quản lý cao nhất để tháo gỡ. Đồng thời, bản thân Chính phủ cũng rất quan tâm tới thu hút FDI khi đã lập ra một tổ công tác đặc biệt về thu hút vốn FDI do Phó Thủ tướng Thường trực làm tổ trưởng, hỗ trợ trực tiếp các DN, đối thoại trực tiếp với những tập đoàn kinh doanh lớn và sẵn sàng giải đáp, đàm phán tất cả những vấn đề cụ thể để thu hút được nguồn vốn FDI chất lượng từ các quốc gia phát triển, các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia.

Theo ông Toàn, đó là những tín hiệu rất quyết liệt và cũng rất cầu thị của Chính phủ để có thể tạo môi trường đầu tư tốt hơn và tạo nên sự kết nối trực tiếp với các DN đang hoặc muốn làm ăn tại Việt Nam.