Ý thức lao động dần thay đổi theo hướng tích cực

Năm 2016, khi chàng trai Trương Thế Diệu (Nghệ An) còn ngồi trên ghế trường phổ thông, Diệu đã sớm nuôi hy vọng sẽ được theo học nghề. Thế nhưng thời điểm đó, phần đông hàng xóm và ngay cả gia đình của Diệu cũng chưa ủng hộ quyết định này do tâm lý "trọng thầy hơn thợ". Mãi cho tới sau khi gia đình được sự tư vấn của thầy cô và Diệu bày tỏ quyết tâm theo học nghề, gia đình mới đồng ý.

Nâng cao kỹ năng nghề giúp lao động  thích ứng với hoàn cảnh mới
Học sinh học nghề điện - điện tử tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội.

Sự nỗ lực, cùng ý chí quyết tâm ấy của Trương Thế Diệu đã giúp anh đạt được nhiều thành tích trong học tập. Lần đầu tiên, năm 2019 anh đạt huy chương bạc trong kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới với nghề Phay CNC.

Diệu từng tâm sự: "Việc tôi đạt được những thành tích trên vừa là niềm vui vừa là trách nhiệm, góp phần nâng tầm giáo dục nghề nghiệp. Khi tôi còn thực tập ở công ty, người ở quê đã truyền tai nhau về những thành tích của tôi. Từ đó tôi trở thành một phần lý do để nhiều học sinh tốt nghiệp cấp 3 theo học nghề, quan điểm của phụ huynh trở nên thoáng hơn khi cho con theo học nghề”.

Tuy nhiên, để có được thành tích ấy, Diệu không chỉ cần sự quyết tâm mà còn cần cả sự nhẫn nại, kiên trì rèn luyện kỹ năng nghề. Anh cho biết, có những tháng luyện tập miệt mài, ngày luyện từ 8 - 10 tiếng chỉ trừ thời gian ăn và ngủ.

Đẩy mạnh hướng nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

"Giáo dục nghề nghiệp cũng đang đẩy mạnh hướng nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để học sinh, người dân chọn nghề phù hợp năng lực cá nhân, khả năng của mình. Quá trình này sẽ cho phép học sinh, sinh viên ra trường có thể đi làm trong các doanh nghiệp hoặc có thể tự mở doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như mở quán sửa xe, chăm sóc sắc đẹp".

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp Vũ Quốc Bình

Còn với nữ đại sứ Kỹ năng nghề Nhữ Thị Phương thì học nghề và làm nghề cũng là quá trình gian truân nhưng đầy đam mê và vinh quang. Phương từng giành giải Nhì của Kỳ thi Tay nghề Quốc gia năm 2012, nhận chứng chỉ tay nghề xuất sắc tại Kỳ thi Tay nghề ASEAN và chứng chỉ tay nghề xuất sắc tại Kỳ thi Tay nghề thế giới năm 2013.

Cô tâm sự: "Để học và hành nghề tốt trong xã hội hiện đại, cần có kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trong đó, kiến thức và kỹ năng thì có thể rèn luyện và học tập, nhưng quan trọng nhất chính là thái độ, sự cầu tiến, chịu khó học hỏi. Do đó, học đại học cũng tốt nhưng tùy hoàn cảnh và thực tế, việc lựa chọn học nghề sẽ giúp người học có kỹ năng thực hành, sớm có việc làm và với nỗ lực của bản thân sẽ mang tới thành công".

Quả thực trong nhiều năm gần đây nhờ tăng cường truyền thông, nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp... mà nhận thức của học sinh và xã hội về dạy học nghề đã thay đổi. Rất nhiều học sinh cùng phụ huynh đồng ý cho con theo học nghề thay vì học đại học.

Cơ sở dạy nghề phải chuyển đổi không ngừng

Thực tế cho thấy, nếu muốn nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) không chỉ trông chờ vào sự chủ động quyết tâm từ phía học sinh mà chính các cơ sở GDNN, đơn vị quản lý cũng cần phải có sự thay đổi.

Hiện nay nhiều trường tập trung đổi mới đào tạo, thực hiện chuyển đổi số và liên kết đào tạo thực hành tại doanh nghiệp. Trường Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội là một trong những cơ sở GDNN đang làm rất tốt công tác chuyển đổi này.

Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội, cho biết: “Khi dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, nhà trường đã đầu tư phần mềm tuyển sinh trực tuyến, hệ thống đào tạo trực tuyến E-Learning, với mục tiêu không chỉ giảng dạy mà còn quản trị được nội dung giảng dạy; đưa học liệu lên hệ thống với yêu cầu bảo mật và mở ra không gian rộng lớn cho việc kết nối học tập với các chuyên gia nước ngoài. Nhờ đó, dù giãn cách trong thời gian qua nhưng lớp tiêu chuẩn nghề của Đức vẫn được nhà trường thực hiện theo phương châm “3 tại chỗ”.

Ngoài ra, nhà trường cũng xây dựng hệ sinh thái giáo dục, khởi nghiệp, qua đó giúp tăng cường chuyển đổi, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Đồng thời nhà trường cũng kết nối với doanh nghiệp, đào tạo nghề chất lượng cao, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Để phục vụ tốt hơn cho công việc dạy, học chuyển đổi số, ông Đồng Văn Ngọc đề nghị Tổng cục GDNN cần xây dựng các hệ thống dữ liệu dùng chung: giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo, ngân hàng câu hỏi cho các trường nghiên cứu, mô hình, phần mềm mô phỏng, ảo hóa... Theo từng nhóm ngành nghề, các trường liên kết, trao đổi với nhau về mô hình và cách thức đào tạo chuẩn hóa từng nghề thế mạnh.

Hiện nay, để thích ứng với hoàn cảnh mới, hầu hết các trường đều đầu tư cho chuyển đổi số trong dạy và học nghề. Theo thống kê, đến nay có trên 60% số trường trung cấp, cao đẳng áp dụng một hoặc nhiều hình thức giảng dạy trực tuyến vào các nội dung đào tạo. Nhiều trường đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp bao gồm việc học tập trực tuyến (e-learning), hệ thống quản lý học tập trực tuyến.

Ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng: “Việc đầu tư hệ thống đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp đáp ứng công tác quản lý của nhà trường không phải chỉ trong giai đoạn dịch bệnh mà cho lâu dài như một xu hướng mới trong tổ chức, quản lý đào tạo bởi chất lượng đường truyền ổn định, quản trị được nội dung, cho phép xây dựng mô hình mô phỏng trên hệ thống”.

Ông Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, cho biết: "Hiện nay, tổng cục đang xây dựng chiến lược GDNN với các giải pháp từ hoàn thiện cơ chế thể chế, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN và phân tầng GDNN. Để đào tạo và đào tạo lại cho 45 triệu lao động, cần có tầng đào tạo đại trà cho người lao động tham gia thị trường lao động và có tầng đào tạo chất lượng cao để thích ứng chuyển giao công nghệ".

Tạo thuận lợi cho người lao động, đáp ứng nhu cầu thị trường

Theo phân tích trên Forbes Vietnam, việc nâng cao kỹ năng cho người lao động Việt Nam là trong tầm tay. Nhưng ai sẽ đảm nhiệm việc này? Về lý thuyết, thị trường lao động sẽ điều chỉnh dần theo thời gian, vì một khi nhu cầu về lao động có tay nghề tăng cao sẽ làm tăng mức lương tương đối, từ đó khuyến khích người lao động và doanh nghiệp gia tăng đầu tư vào giáo dục và đào tạo. Nhưng kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh là việc thích ứng này có độ trễ nhất định. Còn người lao động thì sao? Có thể họ không được tiếp cận thông tin hoặc không có tài chính để đầu tư vào các chương trình đào tạo dài hạn hơn. Trong khi đó các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào đào tạo nhân viên vì rất có thể khi tay nghề nâng cao họ lại “nhảy việc” sang đối thủ cạnh tranh khác.

Do đó, theo phân tích này, Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ cho người lao động và đáp ứng nhu cầu đang ngày một tăng của doanh nghiệp về lao động có tay nghề. Không những cần hành động quyết liệt hơn, Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân. Thị trường lao động cần được thiết kế linh hoạt hơn, cho phép người lao động có thể dễ dàng chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác.

Các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin đầy đủ cho người lao động về các xu hướng và nhu cầu của thị trường lao động để giúp họ đưa ra quyết định. Các chương trình giáo dục kỹ thuật và dạy nghề cần được nâng cao chất lượng; tạo điều kiện thuận lợi để những người lao động có chuyên môn cao gia nhập hoặc quay trở lại làm việc và hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động về tài chính trong quá trình đào tạo những kỹ năng mới.