Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Hà Nội cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cũng đã thành công trong đại dịch nhờ mạnh dạn chuyển đổi phương thức kinh doanh thích ứng với thời đại mới, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhờ có sự nhạy bén kịp thời bắt kịp xu hướng phát triển thương mại điện tử. Nhiều doanh nghiệp đã thành công nhờ mạnh dạn chuyển đổi phương thức kinh doanh.

Thực tế trong thời gian đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tăng trưởng doanh thu 40-50% khi biết tiếp cận thị trường thương mại điện tử trong thời gian qua. Trong đó ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, nhất là các sản phẩm như sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ...

Nâng cao năng lực xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới
Nâng cao năng lực xuất khẩu thông qua thương mại điện tử. Ảnh: CTV

Bà Mai Anh khuyến nghị, để có thể tham gia vào thương mại điện tử xuyên biên giới thành công, các doanh nghiệp cần phải có hiểu biết rất rõ về các quy định, quy luật, hợp tác quốc tế, logistics, thanh toán quốc tế…

Ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương cũng cho rằng, thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7.385 tỷ USD vào năm 2025. Ở trong nước, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tăng 16%, đạt 13,7 tỷ USD; quy mô thị trường B2C thương mại điện tử ước tính chiếm 6,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Dự báo giai đoạn 2022-2025 thương mại điện tử Việt Nam tăng trung bình 25%/năm, đạt 35 tỷ USD vào năm 2025 và chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Theo dự báo của Amazon Global Selling, doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử B2C của người bán tại Việt Nam ước tính đạt 75,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 và có thể đạt 256,1 nghìn tỷ đồng trong 5 năm tới.

Ông Mạc Quốc Anh - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, còn nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử. Theo thống kê hiện mới chỉ có khoảng 26-30% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi con số này tại Thái Lan và Indonesia là hơn 40%. Chính vì thế, trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để thay đổi, chiếm lĩnh được thị trường thương mại điện tử hàng tỷ đô la tiềm năng này.