Thời hạn “xuống nấc” ngày một cận kề

Theo đúng quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-NHNN (được sửa đổi một số điều tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN), thời hạn để các ngân hàng buộc phải “xuống nấc” đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn sẽ chỉ còn hơn 2 tháng nữa. Cụ thể đầu tháng 10/2022, “nấc” mới sẽ chỉ còn 34% thay vì 37% như hiện nay.

Ngoài quy định về tỷ lệ nêu trên, các nội dung cơ bản khác của Thông tư 22 đều hướng tới việc đảm bảo các yêu cầu cần thiết nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của các ngân hàng.

Thông tư 22 quy định các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là ngân hàng) hàng ngày phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỷ lệ khả năng chi trả theo quy định về báo cáo thống kê áp dụng đối với ngân hàng. Trước 10 giờ sáng ngày hôm sau, ngân hàng phải có văn bản báo cáo tỷ lệ khả năng chi trả thiếu hụt tạm thời (nếu có) và các biện pháp đã thực hiện để bù đắp thiếu hụt.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Thế Dương

Thời gian qua, khó khăn do dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm cũng như việc các ngân hàng đã phải sát cánh hỗ trợ giảm lãi, phí… cho khách hàng là lý do khách quan có thể được “xem xét” nới lỏng các điều kiện về an toàn vốn. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, việc nếu tiếp tục kéo dài sẽ không có lợi cho chính các ngân hàng và thời điểm này chính là lúc các ngân hàng phải tự nỗ lực để cải thiện các chỉ số tài chính.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, Thông tư 22 đã được ban hành với lộ trình rõ ràng, do đó cần phải thực hiện nghiêm túc, dứt khoát đến tháng 10/2022 các ngân hàng phải đưa tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đạt tỷ lệ 34% như quy định. “Tôi rất ủng hộ quan điểm của NHNN trong việc không lùi thời hạn áp dụng Thông tư 22, vì tôi cho rằng, chỉ có như vậy hoạt động thị trường vốn và thị trường tiền tệ mới lành mạnh được” - ông Hùng nói.

Trong khi đó, về phía NHNN, cơ quan này luôn đặt các chỉ tiêu an toàn tài chính vào “tầm ngắm” để dõi theo hoạt động của các ngân hàng trong mọi thời điểm. Ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, NHNN liên tục cập nhật thông tin số liệu việc tuân thủ hệ số an toàn của các ngân hàng.

Xoay phương án tăng vốn dài hạn

Theo NHNN Việt Nam, đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%). Huy động vốn đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,51% so với cuối năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,09%). So sánh tốc độ tăng trưởng 2 chỉ tiêu cho vay và huy động vốn cho thấy mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng nhanh hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, nhưng tốc độ tăng trưởng vốn huy động tăng nhanh hơn không đáng kể so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, các ngân hàng dù cần vốn để phục vụ nhu cầu cho vay, nhưng họ vẫn chỉ tỏ ra cầm chừng với vốn huy động tiền gửi dân cư vì phần lớn đây là vốn ngắn hạn.

Quy định lộ trình tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo Thông tư 22 (sửa đổi bởi Thông tư 08)

- Từ ngày 1/01/2020 đến hết ngày 30/9/2021: 40%;

- Từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022: 37%;

- Từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023: 34%;

- Từ ngày 1/10/2023: 30%.

Theo đó, một trong những kênh các ngân hàng sử dụng để tăng vốn dài hạn là giữ lại cổ tức (hoặc chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu, không chia bằng tiền). Năm 2022, nhiều ngân hàng công bố mức chia cổ tức khá cao, nhưng đều chỉ là cổ tức bằng cổ phiếu. Chẳng hạn như nếu không có gì thay đổi, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chia cổ tức 50%, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) chia cổ tức 35%, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) chia 30%, OCB chia 30%, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) chia 29%, ACB chia 25%... Một số ngân hàng khác chấp nhận “nhìn thẳng vào sự thật” hơn nên đã không chia cổ tức và họ giải thích với cổ đông rằng, chia cổ tức bằng cổ phiếu nếu tính ảnh hưởng của yếu tố pha loãng sau chia thì thực tế cũng như không.

Động thái giữ lại lợi nhuận để tăng vốn dài hạn là một động thái tích cực của các ngân hàng. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cảnh báo các ngân hàng cũng sẽ vẫn phải kìm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý. Lý do là, nếu tín dụng tăng quá cao, trong khi tốc độ tăng vốn không theo kịp và các ngân hàng lại phải dùng vốn ngắn hạn để bù đắp tăng trưởng tín dụng thì mọi nỗ lực tăng vốn chủ sở hữu cũng vẫn cho kết quả “cài số lùi” về việc cải thiện chỉ số an toàn tài chính.

Trong khi đó, một trong những kênh khác được các ngân hàng tỏ ra khá tích cực tận dụng là trái phiếu. Về bản chất, trái phiếu tuy vẫn chỉ là vốn vay, nhưng dù sao cũng vẫn có tính chất dài hạn hơn vốn huy động tiền gửi và trái chủ không được rút vốn trước hạn như tiền gửi tiết kiệm.

Theo thống kê từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 5 tháng đầu năm 2022, nhóm ngân hàng thương mại đứng đầu về giá trị phát hành trong tháng với 14.629 tỷ đồng, chiếm 60,68% tổng giá trị phát hành. Tiếp đó trong tháng 6 (dữ liệu thống kê đến ngày 24/6), nhóm ngân hàng thương mại cũng vẫn đứng đầu về giá trị phát hành với giá trị là 15.790 tỷ đồng.