Đảm bảo nguồn chi hỗ trợ người dân

Ngay từ năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội và đời sống của người dân, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều quy định thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch gây nên.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Đồng thời, trên cơ sở đề xuất của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) (dự kiến hỗ trợ cho 6 nhóm đối tượng khoảng 20,5 triệu người, nhu cầu chi ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 36 nghìn tỷ đồng), Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan này đã ban hành Nghị quyết số 936/NQ-UBTVQH14, thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với số tiền là 20 nghìn tỷ đồng theo quy định của Chính phủ.

Ngân sách chi hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn
Ngân sách chi hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó do đại dịch. Ảnh: TL.

Trên cơ sở báo cáo kết quả thực hiện của các địa phương và tổng hợp qua hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN), số lượng đối tượng thuộc diện được hỗ trợ thấp hơn nhiều so với dự kiến khi đề xuất xây dựng chính sách. Theo đó, ngân sách Trung ương (NSTW) chỉ cần sử dụng khoảng 9,73 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương; dư nguồn khoảng 10,27 nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chính sách cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 41,82/16.200 tỷ đồng, đạt 0,026% số vốn vay cho 245 đơn vị để trả lương ngừng việc cho 11.276 lao động; chính sách hỗ trợ tạm dừng đóng Quỹ hưu trí, tử tuất trên 786/6.500 tỷ đồng, đạt 0,12% cho 1.846 đơn vị (192.503 lao động).

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã có Tờ trình số 104/TTr-CP ngày 2/4/2021 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của NSTW năm 2020. Đến nay, Bộ Tài chính đã bổ sung 5.718 tỷ đồng cho 55 địa phương, dự kiến bổ sung tiếp khoảng 1.012 tỷ đồng, vì vậy dự kiến dư nguồn khoảng 3.000 tỷ đồng.

Như vậy, NSNN đã đảm bảo đủ nguồn để thực hiện chính sách theo quy định, không có tình trạng chi sai, chi vượt mức cho phép, không có trường hợp nào vi phạm phải kỷ luật và thu hồi ngân sách. Đây là một kết quả rất tích cực khi các đối tượng trong nghị quyết là rất rộng, phức tạp và nhạy cảm.

Cần chi hơn 12 nghìn tỷ đồng cho khoảng 8 triệu đối tượng

Sang năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, nhu cầu thực hiện chính sách khoảng 26.252 tỷ đồng, trong đó: NSNN khoảng 2.150 tỷ đồng (bao gồm cả NSTW và NSĐP); nguồn tái cấp vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 7.456 tỷ đồng; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế khoảng 16.646 tỷ đồng.

Theo báo cáo của các địa phương đến ngày 7/10/2021, nhu cầu chi NSNN khoảng 12.319 tỷ đồng, cho khoảng 8 triệu đối tượng; 62 địa phương đã thực rút tiền từ KBNN tổng kinh phí là 5.111 tỷ đồng để hỗ trợ cho khoảng 5,9 triệu đối tượng. Trong đó đối tượng đặc thù riêng của địa phương khoảng 5 triệu đối tượng, kinh phí khoảng 3.789 tỷ đồng do NSĐP đảm bảo.

Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở báo cáo kết quả thực hiện chính sách của các địa phương, Bộ Tài chính xem xét, bổ sung từ NSTW cho NSĐP thực hiện chính sách theo chế độ quy định.

Trên thực tế, chính sách hỗ trợ đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng bị tác động bởi dịch bệnh trong xã hội. Việc triển khai của các cấp, các ngành là kịp thời, quyết liệt, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, khó khăn, như: việc rà soát, lập danh sách phê duyệt đối với các nhóm lao động, hộ kinh doanh, nhất là lao động không có giao kết hợp đồng lao động, chủ yếu do việc xác nhận gặp khó khăn và tâm lý sợ trục lợi chính sách. Việc cấp phát kinh phí tại một số địa phương còn chậm, chưa chủ động trong việc chuẩn bị, bố trí kinh phí, ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả nước. Dù vậy, các cấp, các ngành, địa phương đã và đang nỗ lực, cải thiện thủ tục để chính sách đến tay các đối tượng hưởng trợ cấp một cách nhanh nhất. Bộ Tài chính cam kết đảm bảo nguồn để thực hiện chính sách theo quy định./.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Ngân sách chi 45,6 nghìn tỷ đồng phòng chống dịch và hỗ trợ người dân Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 Tiếp tục xuất cấp hơn 75.413 tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Thủ tướng yêu cầu TPHCM khẩn trương rà soát, kịp thời hỗ trợ người dân khó khăn