Giá bất động sản vẫn tăng bất chấp khó khăn

Dịch Covid-19 kéo dài và đang bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản (BĐS)...

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Công ty CP BĐS Đại Phúc Land cho biết, thị trường BĐS đang đối mặt với hàng loạt thách thức, khó khăn chưa từng có do dịch bệnh gây ra. Giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều tỉnh thành, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh đã bước sang tháng thứ 3, khiến hầu hết doanh nghiệp BĐS buộc phải đóng cửa, chuyển sang chế độ làm việc tại nhà hoặc tạm dừng hoạt động. Sự phục hồi của thị trường phụ thuộc phần lớn vào việc khống chế dịch bệnh.

ngăn-tăng-nóng-cục-bộ-bất-động-sản.jpg
Kiểm soát, minh bạch thông tin ngăn tăng "nóng cục bộ" giá bất động sản. Ảnh minh họa: Tuấn Nguyễn

Do thực hiện giãn cách xã hội, phải dừng công trình xây dựng, các dự án không thể triển khai đúng tiến độ, khiến nguồn cung và lượng giao dịch bị sụt giảm mạnh; không bán được sản phẩm, doanh nghiệp BĐS không thể huy động được vốn. Nhiều doanh nghiệp (DN) đang lâm vào thế bế tắc, khi vẫn phải trả lãi ngân hàng đều đặn hàng tháng. Nhiều DN phải đi vay nóng để trả lương người lao động.

Tuy nhiên, thông tin về thị trường BĐS và nhà ở quý II/2021, của Bộ Xây dựng cho thấy, dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp song thị trường BĐS quý II đều tăng cả về số lượng và giá giao dịch. Có hiện tượng tăng "nóng cục bộ" ở một số địa phương trong những tháng đầu năm.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng ghi nhận, giá giao dịch nhà ở riêng lẻ trong các dự án tại nhiều địa phương vẫn tăng nhưng không nhiều, bình quân khoảng 3% so với quý trước, lượng giao dịch đối với nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 120% so với thời điểm cuối năm 2020. Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương là những địa phương có mức giá bình quân tăng cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước.

Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho hay, hiện tượng tăng giá đất nền "nóng cục bộ" những tháng đầu năm đã được kiểm soát sau khi Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo, cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn (như thông tin quy hoạch sân bay Tec-nich tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại Đà Nẵng…).

Minh bạch thông tin, tránh khả năng tăng “nóng cục bộ”

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo 223/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý II/2021. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng theo dõi sát diễn biến của thị trường BĐS, tránh khả năng tăng "nóng cục bộ" giá BĐS trong các tháng còn lại của năm 2021 khi dịch bệnh được kiểm soát và dòng vốn tập trung vào thị trường BĐS tăng.

Phó Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, ổn định.

Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công thương chủ động nghiên cứu một số giải pháp nhằm giám sát, bình ổn giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép, cát xây dựng...; nghiên cứu biện pháp phối hợp với Bộ Công thương thực hiện kiểm soát chi phí đối với các dự án đang chịu ảnh hưởng của việc tăng giá vật liệu xây dựng nói chung và giá thép nói riêng, nhằm chống độc quyền, đầu cơ găm hàng, nâng giá vật liệu xây dựng.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2017 - 2020 (đã khởi công và sắp khởi công), trong đó thực hiện quản lý các hoạt động khai thác đất, đá, rà soát việc cấp giấy phép khai thác vật liệu cho thi công các dự án của Bộ Giao thông vận tải.

Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện công tác giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công.

Chính quyền các địa phương tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động có kế hoạch hoặc lồng ghép vào các kế hoạch, nhiệm vụ chuyên môn để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, sử dụng đất, đá, cát, sỏi và các vật liệu xây dựng khác…; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, minh bạch về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lộ trình triển khai các dự án; phát hiện và xử lý triệt để các đối tượng đưa tin sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường./.

Văn Tuấn