Công tác chống buôn lậu đạt hiệu quả cao

Từ đầu năm 2022 đến nay, trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới gia tăng và tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Đáng chú ý, trong hoạt động vận chuyển, xuất – nhập khẩu, các đối tượng thường lợi dụng sự thông thoáng của quy trình thủ tục hải quan để gian lận trốn thuế như khai sai tên hàng, số lượng, chủng loại, mã số, xuất xứ; ngụy trang để vận chuyển hàng cấm; lợi dụng loại hình quá cảnh, tạm nhập tái xuất, chuyển phát nhanh, thương mại điện tử, kho ngoại quan...

Đặc biệt, theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), buôn lậu, gian lận thương mại phổ biến và gia tăng mạnh tại các cục hải quan tỉnh, thành phố có số thu lớn, lưu lượng hàng hóa lớn qua khu vực cảng biển, sân bay quốc tế lớn, có hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển cảng, quá cảnh.

Các mặt hàng vi phạm được phát hiện trong thời gian qua chủ yếu là hàng tiêu dùng, hàng cấm như ma túy tổng hợp, ma túy đá, heroin, thuốc phiện, cocain, cần sa, cá thể rùa, cá thể tê tê, vảy tê tê, ngà voi, máy móc thiết bị đã qua sử dụng…Trong đó, phải kể đến các mặt hàng thiết bị y tế, bộ kit test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, thuốc chữa bệnh Covid-19, các đối tượng đã lợi dụng đường mòn, lối mở biên giới, trà trộn vào hàng hóa, cất giấu trong hành lý; lợi dụng vận chuyển hàng hóa, hành khách đường hàng không…để vận chuyển trái phép vào Việt Nam các mặt hàng này.

Ngành Hải quan: Ngăn chặn buôn lậu bằng công cụ giám sát trực tuyến
Giám sát trực tuyến là công cụ hữu hiệu để phát hiện hàng lậu. Ảnh: TL
Trong 3 tháng cao điểm chống buôn lậu vừa qua (từ ngày 15/12/2021 - 15/2/2022), ngành Hải quan đã chủ trì và phối hợp phát biện, bắt giữ xử lý 2.733 vụ vi phạm, tăng 29,04% so với cùng kỳ năm 2021, tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.230 tỷ đồng, tăng 57,39%; số tiền phạt, thu nộp NSNN là 38,014 tỷ đồng, tăng 27,27%.

Thực tế cho thấy, nhờ ứng dụng trang thiết bị hiện đại, sử dụng công cụ giám sát trực tuyến mà công tác chống buôn lậu nhanh chóng đáp ứng được bối cảnh mới và đạt hiệu quả cao.

Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Hùng Anh chia sẻ, để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới, ngành Hải quan đã triển khai chiến lược đầu tư, hiện đại hóa hoạt động chống buôn lậu trên nền tảng điện tử hóa, giám sát hàng hóa trực tuyến, tạo bước đột phá trong công tác đấu tranh chống buôn lậu. Có thể thấy, việc giám sát trực tuyến đã nâng cao hiệu quả kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, ngăn chặn hiệu quả và triệt phá nhiều vụ buôn lậu lớn, nhất là ở các cửa khẩu trọng điểm.

Điển hình, mới đây, gần 45 kg bóng cá hiếm, thuộc danh mục CITES, cất giấu tinh vi trong lô hàng cá đông lạnh vận chuyển từ Mỹ về TP. Hồ Chí Minh đã bị Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh) và Đội Kiểm soát Chống buôn lậu khu vực miền Nam (Cục Điều tra Chống buôn lậu) phối hợp phát hiện, bắt giữ kịp thời nhờ áp dụng các hệ thống công nghệ hiện đại, công cụ giám sát trực tuyến.

Tăng cường giám sát trực tuyến để đẩy lùi buôn lậu

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, trong thời gian tới, Ngành Hải quan sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chính, tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao từ công tác tham mưu đến công tác đấu tranh trực tiếp. Song song với đó, ngành Hải quan vẫn nỗ lực không ngừng để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.

Trước đây, việc giám sát hàng hóa, hoạt động xuất nhập cảnh được thực hiện thủ công bằng nhiều nhân lực…Hiện, ngành Hải quan đã đầu tư đầy đủ hệ thống kết nối, camera tại nhà ga, bến, bãi, kho hàng, khu vực làm thủ tục xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại sân bay…dễ dàng phát hiện lô hàng hóa có dấu hiệu bất thường để kịp thời xử lý. Đồng thời, thông qua đó các cấp có thế chỉ đạo điều hành và giám sát hoạt động của công chức nhằm hạn chế các hành vi tiêu cực.

Đáng chú ý, để đấu tranh và ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, ngành Hải quan sẽ tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát trên tất cả các khâu nghiệp vụ.

Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác giám sát trực tuyến tại các địa điểm kiểm tra, nơi tập kết hàng hóa, kho chứa hàng hóa..., nhất là tại các cục hải quan có số thu lớn, lưu lượng hàng hóa lớn, có hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển cảng, quá cảnh như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu...Đồng thời, tích cực, chủ động kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, nhất là đối với những mặt hàng nhạy cảm, nhằm kịp thời phát hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế gây thất thu cho NSNN.

Về chủng loại hàng hóa, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Hùng Anh cho hay sẽ chú trọng giám sát các mặt hàng trọng điểm như hàng tiêu dùng, hàng có thuế suất cao, hàng quản lý chuyên ngành, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch, hàng cấm...

Bên cạnh đó, Cục Điều tra chống buôn lậu đẩy mạnh công tác thu thập thông tin, nắm vững diễn biến tình hình, cảnh báo về một số phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép khoáng sản qua biên giới; cảnh báo về phương thức thủ đoạn và hướng dẫn nghiệp vụ chống buôn lậu hàng giả và bảo về quyền sở hữu trí tuệ…

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về mối nguy hại của hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả…/.