Giá cà phê trên thị trường thế giới hôm nay đột ngột giảm mạnh. Ảnh tư liệu |
Giá cà phê giảm trở lại sau phiên tăng mạnh
Theo ghi nhận mới nhất, giá cà phê trên thị trường thế giới đột ngột giảm. Cụ thể, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 9/2024 được ghi nhận tại mức 4.408 USD/tấn, giảm 2,74%; giá cà phê Arabica giao tháng 9/2024 tại New York ở mức 234,9 UScent/pound sau khi giảm 2,47%.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 76.982 tấn, trị giá 381,2 triệu USD, giảm 29,3% về lượng nhưng tăng 23,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, giá cà phê xuất khẩu bình quân trong tháng vừa qua đạt kỷ lục 4.951 USD/tấn, tăng 7,8% so với tháng trước và tăng tới 75,1% (tương đương 2.123 USD/tấn) so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 7 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu cà phê tăng 52,3% lên mức bình quân 3.682 USD/tấn. Nhờ đó, sản lượng xuất khẩu mặc dù giảm 12,4% so với cùng kỳ, nhưng giá trị thu về vẫn tăng 33,5%, đạt 979.353 tấn, trị giá 3,6 tỷ USD.
Với những yếu tố thuận lợi về giá, ngành cà phê được kỳ vọng có thể mang về kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 5 tỷ USD trong năm nay.
Về thị trường xuất khẩu, Liên minh châu Âu (EU) vẫn là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, chiếm 39% tổng khối lượng xuất khẩu với 381.699 tấn, trị giá 1,37 tỷ USD. Mặc dù lượng cà phê xuất khẩu sang EU giảm 10,7%, trị giá lại tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Đức, Italia và Tây Ban Nha đạt lần lượt là 121.500 tấn, 91.082 tấn và 71.734 tấn. So với cùng kỳ, lượng cà phê xuất khẩu sang Đức và Tây Ban Nha giảm lần lượt 11,6% và 14,5%, trong khi xuất khẩu sang Italia tăng 17,8%.
Xuất khẩu cà phê sang một số thị trường lớn khác như Nhật Bản, Mỹ và Nga đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, xuất khẩu sang các thị trường châu Á lại ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, với Indonesia tăng 50,4%, Philippines tăng 63,7%, Trung Quốc tăng 27,2%, Thái Lan tăng 68,7%, và Malaysia tăng 61,7%.
Giá tiêu giảm mạnh
Ghi nhận mới nhất, giá tiêu hôm nay giảm mạnh tại các địa phương. Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk giảm 4.000 đồng/kg về mức 138.000 đồng/kg. Thương lái tại Gia Lai, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước hiện đang thu mua hồ tiêu với giá 137.000 đồng/kg, giảm 4.000 - 5.000 đồng/kg tùy khu vực.
Trên thị trường thế giới, giá giao dịch tiêu đen Lampung (Indonesia) tăng 0,49%, giá thu mua tiêu đen Brazil ASTA 570 và giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA duy trì ổn định so với ngày 12/8; giá thu mua tiêu trắng Muntok tăng 0,5% và giá tiêu trắng Malaysia ASTA không có thay đổi mới.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu trong quý II/2024 đạt gần 80,65 nghìn tấn, trị giá 375,38 triệu USD, tăng 41,9% về lượng và tăng 59,1% về trị giá so với quý I/2024, tăng 5,3% về lượng và tăng 50,1% về trị giá so với quý II/2024. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu đạt xấp xỉ 141,4 nghìn tấn, trị giá 629,86 triệu USD, giảm 7,4% về lượng, nhưng tăng 30,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ước tính, giá bình quân xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 7/2024 đạt mức 5.272 USD/tấn, tăng 13,2% so với tháng 6/2024 và tăng 53,5% so với tháng 7/2023. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, giá bình quân xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 4.665 USD/tấn, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cao su cùng tăng trên hai sàn giao dịch thế giới
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 9/2024 tăng 0,54% lên mức 332,8 yen/kg tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h ngày 14/8 (giờ Việt Nam).
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 9/2024 tăng 0,76% ở mức 14.670 Nhân dân tệ/tấn.
Từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường cao su vẫn bị chi phối bởi kinh tế toàn cầu chưa hoàn toàn lạc quan, căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang, trong khi nhu cầu của Trung Quốc chậm lại. Tuy nhiên, giá cao su vẫn tăng đáng kể do nguồn cung khan hiếm bởi các yếu tố mùa vụ.
Trong các tháng đầu năm 2024, lượng cao su nhập khẩu của các thị trường lớn như EU, Ấn Độ, Mỹ, Malaysia đều có xu hướng tăng do nhu cầu dần được cải thiện; Trong khi nhập khẩu của Trung Quốc lại giảm. Qua số liệu thống kê cho thấy, ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, thì thị phần cao su của Việt Nam tại các thị trường này vẫn ở mức thấp.
Trung Quốc: Nhập khẩu cao su của Trung Quốc đã giảm liên tục kể từ tháng 02/2024 đến nay. Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 3,41 triệu tấn cao su, với trị giá 5,56 tỷ USD, giảm 16,8% về lượng và giảm 8,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, nhập khẩu cao su của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 563,96 nghìn tấn, trị giá 802,47 triệu USD, giảm 15,4% về lượng và giảm 10,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 16,51% về lượng và chiếm 14,43% về trị giá trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2024./.