Ngày 28/7: Giá dầu thế giới tiếp tục có xu hướng sụt giảm
Giá dầu thế giới hôm nay giảm xuống chạm đáy trong ba tuần qua do lo ngại kinh tế. Ảnh tư liệu

Ghi nhận trên Oilprice lúc 4h30 ngày 28/7/2025 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent ở mốc 68,39 USD/thùng, giảm 1,07% (tương đương giảm 0,74 USD/thùng). Tương tự, giá dầu WTI ở mốc 65,07 USD/thùng, giảm 1,32% (tương đương giảm 0,87 USD/thùng).

Thị trường dầu mỏ toàn cầu tiếp tục chứng kiến xu hướng sụt giảm. Đây là mức giá thấp nhất trong ba tuần trở lại đây, phản ánh tâm lý lo ngại ngày càng gia tăng của giới đầu tư trước các tín hiệu kinh tế không mấy khả quan từ Mỹ và Trung Quốc. Trong tuần giao dịch vừa qua, dầu Brent mất gần 1% giá trị, còn dầu WTI giảm sâu hơn với mức sụt gần 3%.

Tuy vậy, kỳ vọng về việc các thỏa thuận thương mại mới có thể tạo lực đẩy cho tăng trưởng toàn cầu đã phần nào hạn chế đà giảm của giá dầu. Các nhà phân tích cho rằng nếu tăng trưởng được cải thiện, nhu cầu tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ sẽ hồi phục theo.

Tại Mỹ, dữ liệu kinh tế tháng 6 cho thấy số đơn hàng mới với nhóm hàng hóa vốn giảm bất ngờ, trong khi lượng hàng xuất xưởng chỉ tăng nhẹ, làm dấy lên lo ngại về sự sụt giảm trong đầu tư thiết bị của doanh nghiệp. Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ đã có cuộc trao đổi tích cực với Chủ tịch Fed Jerome Powell, và khả năng Cục Dự trữ Liên bang có thể cân nhắc giảm lãi suất. Việc hạ lãi suất thường giúp giảm chi phí vay, kích thích đầu tư, tiêu dùng và qua đó có thể thúc đẩy nhu cầu dầu thô trong trung, dài hạn.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc tiếp tục ghi nhận tình trạng suy giảm tài khóa. Báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính nước này cho thấy doanh thu nửa đầu năm 2025 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương mức suy giảm ghi nhận trong 5 tháng đầu năm, cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang vật lộn với đà tăng trưởng chậm.

Thị trường cũng đang theo sát cuộc đàm phán thương mại Mỹ - EU. Tổng thống Trump đe dọa áp thuế 30% nếu không đạt thỏa thuận trước ngày 1/8, làm dấy lên lo ngại về suy thoái và nhu cầu năng lượng sụt giảm. Một diễn biến khác cũng đáng chú ý là khoảng cách giá giữa dầu diesel và dầu thô đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2024, phản ánh nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu công nghiệp và vận tải./.