mức dự trữ khí đốt của châu Âu hiện nay đã đạt ngưỡng an toàn, nhưng thị trường vẫn còn bấp bênh
Giá gas hôm nay tăng 1,21% ở mức 2,17 USD/mmBTU. Ảnh tư liệu

Giá gas tăng 1,21%

Mở cửa phiên giao dịch sáng 6/5, giá gas tại thị trường thế giới tăng 1,21% lên mức 2,17 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 6/2024.

Phân tích dữ liệu của S&P Global Commodity Insights cho thấy, lưu lượng khí đốt qua đường ống dẫn khí của Nga tới châu Âu giảm trở lại trong tháng 4 so với tháng 3, do lưu lượng được bơm qua đường ống TurkStream tới Đông Nam Âu giảm.

Đường ống của Nga chảy tới châu Âu - ngoại trừ Moldova - đạt tổng lưu lượng 2,21 tỷ m3 khí đốt trong tháng 4, giảm 8% so với tháng 3, nhưng vẫn cao hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện tại chỉ còn 2 đường ống dẫn khí từ Nga đến châu Âu, một là đường ống qua Ukraine và đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (TurkStream).

Dữ liệu cho thấy nguồn cung qua TurkStream đến châu Âu tại điểm vào Strandzha 2 trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Bulgaria đạt tổng cộng 1,14 tỷ m3 trong tháng 4, tương đương trung bình 38 triệu m3/ngày, so với mức trung bình 43 triệu m3/ngày trong tháng 3.

Giá dầu thô Brent tăng 0,28% lên hơn 83 USD/thùng

Giá dầu thô tăng nhẹ trong phiên giao dịch sáng ngày thứ Hai (6/5) sau khi giảm hơn 1% vào cuối tuần trước, trong khi tâm điểm thị trường hướng tới cuộc họp tiếp theo của OPEC+.

Tại thời điểm 7h18 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent tăng 0,28% lên hơn 83 USD/thùng và giá dầu WTI của Mỹ tăng 0,1% lên gần 78,2 USD.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thô Brent ghi nhận ở 82,8 USD và giá dầu WTI đạt 77,99 USD/thùng.

Bảng giá xăng dầu thế giới cập nhật lúc 7h18 ngày 6/5/2024

Ngày 6/5: Giá gas và dầu thô đồng loạt tăng trong phiên đầu tuần

Cuộc họp tiếp theo của các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới và các đồng minh, OPEC+, dự kiến diễn ra vào ngày 1/6. Theo các nguồn tin từ OPEC+, họ có thể gia hạn thoả thuận giảm sản lượng dầu tự nguyện sau tháng 6 nếu nhu cầu dầu không tăng.

Các thành viên của nhóm vẫn chưa bắt đầu những cuộc đàm phán chính thức về vấn đề này, nhưng việc giảm sản lượng kéo dài của OPEC+ có thể báo trước thị trường thắt chặt hơn vào cuối năm 2024.

Nhập khẩu dầu thô của châu Á giảm nhẹ trong tháng 4 so với tháng 3, do khối lượng tăng từ Trung Quốc không bù đắp được lượng mua giảm ở những nơi khác trong khu vực nhập khẩu hàng đầu thế giới.

Theo dữ liệu do LSEG Oil Research tổng hợp, nhập khẩu trong tháng 4 tại châu Á đạt 26,89 triệu thùng/ngày, giảm từ 27,33 triệu thùng/ngày trong tháng 3 và gần bằng mức 26,68 triệu thùng/ngày trong tháng 2.

Dữ liệu LSEG cũng cho thấy trong 4 tháng đầu năm, nhập khẩu dầu thô của châu Á là khoảng 27,03 triệu thùng/ngày, chỉ tăng 300.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2023./.