nha sieu mong

Những ngôi nhà siêu mỏng, xiêu vẹo, xây dựng lổn nhổn khiến cho "bộ mặt" của tuyến đường mới Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu không xứng tầm với tuyến phố trung tâm của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: TL

Nhà “siêu mỏng” bóp méo mỹ quan đô thị

Những ngôi nhà có hình thù kỳ dị, siêu mỏng, siêu méo… lâu nay đã không còn xa lạ đối với nhiều người dân sống tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nó không chỉ mọc lên trong các ngõ, hẻm mà còn phô trương ra nhiều tuyến phố lớn như Đào Tấn hay đoạn đường tiếp giáp với con phố “đắt nhất hành tinh” là Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu (Hà Nội).

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 200 nhà siêu mỏng, siêu méo. Riêng tại tuyến đường mới Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu có tới 58 trường hợp, trong đó 20 hộ đã hợp thửa, 7 hộ đã thu hồi xong, 2 hộ đã được đồng ý cấp phép, cho tồn tại… Các trường hợp còn lại hiện đang được quận Đống Đa phối hợp với thanh tra xây dựng tiến hành xử lý.

“Những căn nhà bị cắt xén sau khi làm đường lại được các chủ nhà dùng phế liệu như: gạch vỡ, gỗ cây quây lại. Thực tế chỉ con đường đẹp chứ cảnh quan hai bên trông rất mất mỹ quan”, ông Lê Nguyên, một cán bộ nghỉ hưu sống tại Hoàng Cầu cho biết.

Mới đây, trong chuyến thị sát đoạn đường "đắt nhất hành tinh" này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu phát sinh nhà siêu mỏng, siêu méo là do công tác cán bộ, biết sai phạm vẫn cố tình làm ngơ. Thậm chí còn thỏa thuận ngầm, bắt người dân nộp tiền rồi không phá dỡ”. Bí thư cũng yêu cầu quận Đống Đa phải xử lý nghiêm thực trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, nếu không làm nghiêm thì lãnh đạo quận sẽ phải đứng ra chịu trách nhiệm.

Lại được hợp thức hóa?

Thực tế cho thấy, vấn nạn nhà siêu mỏng, siêu méo hiện đang khiến nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, các nhà quản lý phải “đau đầu”. Tuy nhiên, trong đầu tháng 3/2014, Bộ Xây dựng lại đưa ra dự thảo Quy chuẩn quy hoạch đô thị và thiết kế kiến trúc cảnh quan, trong đó cho phép các khu đô thị được xây dựng nhà liền kề trên lô đất tối thiểu là 25m2.

Cụ thể, dự thảo sẽ cho phép kích thước tối thiểu của khu đất xây dựng nhà ở cho khu vực mới mở đối với nhà liền kề là 25m2 (2,5x10m), nhà liền kề có sân vườn là 42m2 (3,5x12m), biệt thự đơn lập là 180m2/căn (12x15m)…

Trước ý tưởng “độc đáo” này, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch kiến trúc Hà Nội nhận định: “Dự thảo của Bộ Xây dựng một phần cũng tạo điều kiện cho người dân về điều kiện kinh tế nhưng về quy mô, không gian thì có đặt yêu cầu thấp hơn so với giai đoạn trước. Vậy nên, nó chưa phù hợp. Bởi, thực tế chúng ta xây dựng nhà ở không chỉ để giải quyết về nhu cầu trước mắt mà phải tạo bộ mặt đô thị có nét văn hóa cho các giai đoạn sau”.

Quan điểm từ phía các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng cho rằng, mật độ này là không hợp lý, bởi việc phân lô quá nhỏ: “Luật Đất đai có quy định là 30m2, nhưng tại các khu đô thị hiện cũng chưa có chủ đầu tư nào dám bỏ tiền ra làm. Bởi, có làm tối thiểu cũng phải làm 45m2 để đủ chi phí về hạ tầng chứ 25m2 thì thật sự là quá khó”, ông Ngô Minh Tuấn, giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hà Nội cho biết.

Có một thực tế là quy định này sẽ hợp lý cho các chủ đầu tư tại các khu đô thị được phân lô, bán nền một cách dễ dàng hơn (Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BXD-BNV cho phép bán đất nền dự án để người dân tự xây nhà có hiệu lực từ 5/1). Tuy nhiên, theo KTS. Phạm Ngọc Dũng, Chủ tịch HĐQT Sông Đà 207, dự thảo này dễ dàng dẫn đến nguy cơ hợp thức nhà siêu mỏng và đặc biệt là nó thiếu sự đồng nhất với Luật Đất đai: “Việc phân lô quá nhỏ sẽ khiến cho bộ mặt đô thị bị méo mó, nhất là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Trước nhiều quan điểm trái chiều, thành viên ban soạn thảo, KTS Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Quản lý khoa học kỹ thuật, Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) cho biết, tổ biên soạn đã căn cứ vào quy chuẩn xây dựng Việt Nam năm 2008 để xây dựng nên dự thảo và trong quá khứ, diện tích nhà 25m2 tối thiểu đã được chấp nhận và đến nay không có gì mới.

Cũng theo ông Hưng, đây mới chỉ là dự thảo, cơ quan biên soạn đang tiếp tục nghiên cứu lấy ý kiến đóng góp của người dân, các cơ quan liên quan và dự kiến đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 sẽ tiếp tục có dự thảo lần 2./.

Kim Thoa