Nhật Bản thông qua ngân sách bổ sung cao kỷ lục 320 tỷ USD
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Nhật Bản tại Tokyo ngày 6/12/2021.

Đây là khoản ngân sách bổ sung cao kỷ lục và đầu tiên dưới thời chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida, nhằm tài trợ một phần cho gói kích thích kinh tế mới để đưa nền kinh tế hồi phục sau đại dịch COVID-19.

Ngân sách bổ sung sẽ phân bổ 31.600 tỷ yen cho gói kích thích kinh tế mới trị giá 55.700 tỷ yen (78.900 tỷ yen nếu tính cả các quỹ tư nhân) vừa được chính phủ thông qua giữa tháng 11.

Dự kiến, 18.600 tỷ yen sẽ được chi cho các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch, trong đó có 1.700 tỷ yen để tăng ngân sách cho hệ thống bảo hiểm thất nghiệp và 2.000 tỷ yen hỗ trợ các cơ sở y tế bố trí thêm giường bệnh cho các bệnh nhân COVID-19.

Bên cạnh đó, chính phủ sẽ chi 1.300 tỷ yen để thúc đẩy chương trình tiêm chủng và dành 601,9 tỷ yen để mua thuốc điều trị COVID-19.

Ngoài ra, Nhật Bản sẽ chi 1.200 tỷ yen để thực hiện chương trình trợ cấp cho các hộ gia đình thu nhập thấp (dưới 9,6 triệu yen/năm) và đang nuôi con nhỏ với tổng giá trị trợ cấp bằng tiền mặt và phiếu mua hàng cho trẻ từ 18 tuổi trở xuống là 100.000 yen/trẻ.

Bên cạnh đó, ngân sách bổ sung cũng sẽ dành 268,5 tỷ yen để tài trợ cho chương trình kích cầu du lịch "Go To Travel," vốn bị tạm ngừng từ tháng 12/2020 do dịch bệnh bùng phát; 617 tỷ yen sẽ dành để phát triển ngành công nghiệp sản xuất chip điện tử ở trong nước, trong đó có khoảng 400 tỷ yen hỗ trợ cho tập đoàn sản xuất chip bán dẫn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) xây dựng nhà máy ở tỉnh Kumamoto.

Nhằm huy động cho ngân sách trên, chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ phát hành đợt trái phiếu mới trị giá 22.100 tỷ yen, qua đó đưa tổng lượng trái phiếu sẽ phát hành trong tài khóa 2021 lên tới 65.700 tỷ yen.

Bên cạnh đó, Nhật Bản dự định sẽ trích 6.100 tỷ yen từ số tiền còn lại trong ngân sách của tài khóa 2020 để tài trợ cho ngân sách bổ sung này.

Đây là một trong những nỗ lực của chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida nhằm đưa nền kinh tế Nhật Bản trở lại quỹ đạo tăng trưởng, đồng thời hiện thực hóa cam kết tái phân bổ của cải xã hội thông qua tăng cường hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp./.