Cán bộ Hải quan Bình Dương hướng dẫn DN cách thức lập báo cáo quyết toán. Ảnh: Hải Anh

Cán bộ Hải quan Bình Dương hướng dẫn DN cách thức lập báo cáo quyết toán. Ảnh: Hải Anh

Hiện nay, trong quá trình kiểm soát số liệu để lập báo cáo quyết toán (BCQT), báo cáo định mức thực tế của sản phẩm xuất khẩu nộp cho cơ quan hải quan, theo quy định tại Thông tư 39/2018/TT-BTC (TT 39), có không ít DN gặp vướng mắc. Nhằm giúp các DN hiểu đúng và thực hiện hiệu quả TT 39, Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Oanh, Học viện Tài chính đã có cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.

PV: Bà có thể cho biết, TT 39 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2015/TT-BTC có những điểm nào đáng chú ý, tạo thuận lợi hơn đối với DN so với trước đây, trong việc lập BCQT của loại hình gia công, SXXK?

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh: Qua nghiên cứu, giảng dạy trong lĩnh vực BCQT cho cộng đồng DN, tôi cho rằng TT 39 có nhiều quy định tạo thuận lợi cho DN về báo cáo quyết toán đối với loại hình gia công, SXXK cần phải kể đến.

Thứ nhất, DN không phải nộp BCQT nếu cung cấp thông tin liên quan đến nghiệp vụ ngay khi có phát sinh cho cơ quan hải quan (tại Khoản 39 Điều 1, TT 39). Quy định này, sẽ khuyến khích gia tăng số lượng DN chuẩn hóa hệ thống quản trị nội bộ tốt, kiểm soát các nghiệp vụ phát sinh tức thời theo thời điểm tốt hơn để thực hiện cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan hải quan, điều đó cũng đồng nghĩa với việc DN sẽ không mất thời gian cho việc lập BCQT.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh


Thứ hai, đối với những DN phải nộp BCQT, TT 39 đã có nhiều quy định thuận lợi cho việc lập BCQT, đó là: BCQT được lập theo chỉ tiêu số lượng đối với từng mã nguyên liệu, vật tư; mã sản phẩm đang theo dõi trong quản trị sản xuất và đã khai trên tờ khai hải quan. Quy định này giúp cho DN dễ dàng kiểm soát số liệu về lượng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, lượng thành phẩm xuất khẩu thể hiện trên BCQT với dữ liệu trên phần mềm khai hải quan điện tử.

Hơn nữa, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nộp BCQT nhưng trước thời điểm cơ quan hải quan ban hành quyết định kiểm tra BCQT, kiểm tra sau thông quan, thanh tra; tổ chức, cá nhân phát hiện sai sót trong việc lập BCQT thì được sửa đổi, bổ sung BCQT và nộp lại cho cơ quan hải quan. Quy định này đã mở ra cơ hội sửa sai cho những DN khi phát hiện sai sót trên BCQT đã nộp cho cơ quan hải quan.

Với các quy định nêu trên, TT 39 đã bám sát hơn với thực tế sản xuất của DN, qua đó DN sẽ thực hiện lập báo cáo định mức thực tế của sản phẩm xuất khẩu, BCQT năm được dễ dàng hơn.

PV: Trong quá trình thực hiện TT 39, DN phản ánh còn lúng túng, gặp vướng mắc khi lập BCQT trong khi thời hạn kết thúc năm tài chính 2018 đang đến gần. Vậy theo bà đâu là nguyên nhân dẫn đến thực tế này?

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh: Việc áp dụng TT 39 cần có thời gian để DN thích ứng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tiến độ và chất lượng lập BCQT của nhiều DN chưa đảm bảo và bộc lộ hạn chế.

Hiện nay, có nhiều DN không có sự phân công rõ ràng về bộ phận sẽ chịu trách nhiệm lập BCQT. Quy định về phối kết hợp giữa các bộ phận trong nội bộ DN khi lập BCQT chưa được các DN quan tâm.

Để lập đúng BCQT, cần dựa trên số liệu thực tế của DN và chứng minh bởi các chứng từ, sổ sách kế toán của DN theo quy định của chế độ kế toán kiểm toán của Bộ Tài chính. Những dữ liệu về khai báo hải quan của loại hình gia công, SXXK không đủ cơ sở để lập BCQT theo quy định của TT 39.

Theo quy định, báo cáo định mức của sản phẩm xuất khẩu nộp cho cơ quan hải quan là định mức thực tế của sản phẩm xuất khẩu trong năm (theo Mẫu 16/ĐMTT/GSQL ban hành kèm theo TT 39). Toàn bộ thông tin về định mức thực tế của sản phẩm xuất khẩu phải phù hợp với mã nguyên phụ liệu, mã sản phẩm xuất khẩu theo khai báo hải quan. Để hiểu đúng và lập đúng được báo cáo định mức này cũng không dễ dàng đối với DN không có hệ thống quản trị nội bộ tốt.

PV: Với tư cách là một chuyên gia, giảng viên thực hiện các khóa đào tạo cho DN về lập BCQT trong nhiều năm qua, bà có lưu ý gì đối với cộng đồng DN khi thực hiện TT 39?

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh: Theo tôi, để việc lập BCQT được dễ dàng, đúng thời hạn và giải trình được số liệu của BCQT khi cơ quan hải quan kiểm tra, DN cần chú trọng hơn về các nội dung sau:

Thứ nhất, DN cần ban hành quy ước đặt mã nguyên liệu, vật tư; mã sản phẩm trước khi thực hiện hoạt động SXXK, hoạt động gia công và cần dựa trên nguyên tắc tất cả các bộ phận quản lý trong nội bộ DN thống nhất dùng chung mã nguyên liệu, vật tư; mã sản phẩm.

Thứ hai, hệ thống quản trị nội bộ của DN phải đáp ứng được việc theo dõi nguyên liệu vật tư nhập kho (theo nguồn nhập khẩu có chi tiết theo mã loại hình và theo nguồn mua trong nước), việc sử dụng nguyên liệu vật tư phải theo nguồn gốc hình thành của nguyên liệu.

Thứ ba, DN cần giao nhiệm vụ cụ thể cho một bộ phận chịu trách nhiệm lập báo cáo định mức thực tế của sản phẩm xuất khẩu, BCQT theo quy định của TT 39. Trong đó phải xác định rõ, nhân sự chịu trách nhiệm chính khi lập BCQT; nhân sự phụ trách lập dữ liệu theo từng cột số liệu của báo cáo; quy định phối kết hợp trong việc lập BCQT giữa các bộ phận.

PV: Xin cảm ơn bà!

Hải Linh (thực hiện)