9

Nguồn: Quyết định số 942/QĐ-TTg Đồ họa: HỒNG VÂN

Chia sẻ tại Diễn đàn trực tuyến Tài chính số 2021 do TBTCVN tổ chức, GS. TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV đã có những nhận định khá toàn diện về cơ hội chuyển đổi số của Việt Nam nói chung và lĩnh vực tài chính nói riêng.

PV: Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại là “thời điểm vàng” để Việt Nam tăng tốc thúc đẩy số hóa. Ông đánh giá sao về nhận định này?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Tôi rất đồng tình với nhận định này bởi một số lý do. Điều đầu tiên, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa về cả quan hệ kinh tế và giao lưu quốc tế. Vì vậy, việc chuyển đổi số - cốt lõi của cuộc cách mạng này, không còn là một vấn đề riêng.

pv9
GS.TS. Hoàng Văn Cường

Quốc gia nào bắt tay vào sớm, không chỉ phát huy được những lợi ích của kinh tế số, chuyển đổi số trong nội tại đất nước mình mà còn tranh thủ đi trước các nước khác, tận dụng được quan hệ về kinh tế, thương mại.

Điểm thứ hai, Việt Nam đang có nhiều lợi thế, dân số trẻ, nhanh nhạy trong tiếp cận cái mới. Nền tảng công nghệ còn dư địa để phát triển. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể vươn tới mục tiêu trở thành 1 trong 13 nước dẫn đầu châu Á và top 50 nước thế giới trong ứng dụng CMCN 4.0.

Thứ ba, chúng ta đã đặt ra mục tiêu đến năm 2045 trở thành một nước phát triển có thu nhập cao. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn đang là một nước thu nhập trung bình thấp. Như vậy, để đuổi kịp các nước phát triển cao rõ ràng cần phải có những bước đột phá, nhảy vọt và CMCN 4.0 chính là cơ hội đột phá của Việt Nam.

PV: Đón đầu sự chuyển động của công cuộc chuyển đổi số, những năm qua, ngành Tài chính đã chủ động chuẩn bị cả về hành lang pháp lý và hạ tầng số. Ông đánh giá như thế nào về những kết quả của việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động nghiệp vụ tài chính – ngân sách hiện nay, thưa ông?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Qua theo dõi tôi thấy rằng, người dân và doanh nghiệp (DN) đều đánh giá cao những thành công trong cải cách, ứng dụng tin học hóa và số hóa của ngành Tài chính trong thời gian vừa qua.

Đặc biệt hai lĩnh vực rất nổi trội là quản lý thuế và quản lý hải quan đã có những bước tiến khá rõ ràng, chuyển một cách căn bản từ phương thức quản lý theo kiểu cũ, dựa trên giấy tờ, hồ sơ, giao dịch trực tiếp chuyển sang quản lý hiện đại là dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị hiện đại, tự động hóa toàn bộ quá trình.

Ngành Tài chính từng bước thiết lập được nền tài chính mở


“Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tôi tin tưởng rằng ngành Tài chính sẽ từng bước thiết lập được nền tài chính mở như mục tiêu đã đặt ra là đến năm 2025 và hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số toàn bộ nền tài chính một cách toàn diện đầy đủ vào 2030” - GS.TS. Hoàng Văn Cường.

Đơn cử trong lĩnh vực thuế hiện nay, người dân, DN đã có thể kê khai thuế điện tử, kết nối và nộp thuế qua ngân hàng. Hình ảnh cứ cuối tháng, cuối quý, cuối năm, DN xếp hàng dài chờ làm thủ tục đã không còn. Đến nay, họ ngồi ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào cũng có thể hoàn thành nghĩa vụ của mình.

Tương tự với hải quan, nếu trước đây người ta kêu nhiều về vấn đề chậm trễ trong thông quan, kêu hải quan gây ách tắc, gây khó khăn cho các DN thì hiện nay đến 99% các thủ tục về thông quan đã được điện tử hóa.

Việc chuyển đổi số của ngành Tài chính đã góp phần giảm rất nhiều chi phí, thời gian cho người dân, DN; nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao không chỉ từ các đối tượng này mà của các tổ chức quốc tế. Như Ngân hàng Thế giới từng có đánh giá rằng, việc giảm thời gian thông quan đã giúp tiết kiệm khoảng 200 triệu USD mỗi năm.

Lợi ích mang lại không chỉ đơn thuần ở việc giảm thời gian, chi phí mà còn tăng tính công khai; giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm tiêu cực; từ đó tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch hơn, thu hút các nhà đầu tư tin tưởng vào thị trường Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi mà các hoạt động giao tiếp trực tiếp bị hạn chế thì các ứng dụng của ngành Tài chính đã đi trước một bước, phát huy hiệu quả tối đa.

PV: Thực tế cho thấy tài chính số là thị trường tiềm năng cho các DN “start-up” Việt Nam. Vậy cần có những chính sách hỗ trợ DN về thuế, phí để họ có động lực phát triển không, thưa ông?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Các start-up (khởi nghiệp) trong các lĩnh vực về tài chính sẽ tạo ra các lợi ích, giá trị vô cùng to lớn cũng như nhữg sự thay đổi căn bản phương thức giao dịch về tiền tệ, tài chính. Do đó, việc hỗ trợ cho đối tượng này phát triển không chỉ nằm ở các chính sách, thuế, phí mà cần cả một hệ sinh thái.

Về phía cơ quan quản lý vĩ mô, chúng ta cần phải tạo ra một môi trường để cho các DN này có các hoạt động thử nghiệm. Trong quá trình thử nghiệm đó, chúng ta lại cần có các ưu đãi để họ “sống”, vượt qua giai đoạn khó khăn khi mới ra đời để có thể chứng minh khả năng tồn tại.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đại dịch Covid-19 là sức ép lớn để thay đổi

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, khi Covid-19 bùng phát, tất cả các địa phương đều phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt. Nhiều tỉnh, thành phố còn phải đặt trong tình trạng giãn cách xã hội để kiểm soát dịch bệnh. Điều này khiến những phương thức giao dịch truyền thống, trực tiếp trước đây không thể áp dụng và cách duy nhất là dùng công nghệ số.

Từ khi đại dịch xảy ra, quá trình chuyển đổi số của rất nhiều ngành, lĩnh vực trở nên nhanh hơn mức tưởng tượng. Những ngành vốn chưa sẵn sàng số hóa cũng buộc bước chân vào con đường này. Ví dụ, trong giáo dục trước đây, cứ đi học là phải đến lớp chứ làm gì có chuyện ngồi ở nhà. Thế nhưng khi đại dịch xảy ra, các trường chỉ lúng túng trong một thời gian rất ngắn và sau đó thì gần như toàn ngành Giáo dục đã triển khai dạy học online bằng các phần mềm có tương tác.

Hay ở góc độ người dân, trước đây Nhà nước khuyến khích không dùng tiền mặt, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, DN trả lương qua tài khoản nhưng thực tế, ngay sau khi tiền lương được chuyển là người người xếp hàng để rút và cầm tiền mặt đi tiêu.

Nhưng dịch xảy đã hoàn toàn thay đổi hành vi. Ai muốn an toàn trước dịch bệnh, không muốn tiếp xúc thì phải chuyển sang dùng các phương thức giao dịch điện tử như là internet banking, ví điện tử, mobile banking và hầu như việc không dùng tiền mặt lúc này đã trở thành thói quen. Thói quen ấy rõ ràng có sự chuyển đổi rất nhanh do sự xuất hiện của dịch Covid-19.

Các cơ quan, tổ chức, DN chuyển đổi rất nhanh. Đơn vị nào ứng dụng tốt về công nghệ số, chuyển đổi số thì vẫn có thể duy trì được hoạt động thông qua làm việc online, làm việc từ xa mà không bị đình trệ. Thậm chí, có nhiều hoạt động của các cơ sở sản xuất được chia nhỏ ra và có người giám sát từ xa. Phương thức tổ chức, quản lý, hoạt động của các tổ chức, cơ quan, DN cũng thay đổi rất nhiều. Những hoạt động trước đây phải bỏ ra rất nhiều chi phí, công sức, thời gian, phương tiện như đi công tác, đi hội nghị, đi nước ngoài để đàm phán, ký kết nay đều được chuyển sang phương thức trực tuyến mà vẫn đạt hiệu quả.


Đại dịch đã tạo ra một sức ép vô hình để các tổ chức, cơ quan, DN nhìn lại, cấu trúc lại các hoạt động của mình, xem cái gì thực sự cần thiết, cái gì cần loại bỏ, cái gì có thể thay đổi được bằng công nghệ số để nâng cao hiệu quả.

Như vậy, có thể nói, tận dụng được sức ép của đại dịch này là một cơ hội để chúng ta thay đổi, từ đó tiếp cận nhiều hơn, nhanh hơn những lợi thế mà chuyển đổi số mang lại.

Hồng Vân (thực hiện)