12

Hiện nay, nhu cầu tiêm vắc-xin cho công nhân chế biến nông, lâm, thuỷ sản rất cao.

Nông lâm thủy sản thu về 32,1 tỷ USD từ xuất khẩu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) như giảm đơn hàng của một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK), thiếu hụt lao động, ảnh hưởng về dịch vụ hậu cần thương mại (logistics); thiếu nguồn hàng cung ứng từ các thị trường quốc tế... Trong đó riêng tháng 8/2021, XK các mặt hàng này chỉ đạt 3,38 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8/2020. Nguyên nhân chính do dịch Covid-19 khiến nhiều nhà máy chế biến phục vụ XK chỉ hoạt động ở 30 - 40% công suất, thậm chí phải đóng cửa do có F0.

Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp đã thực hiện quyết liệt các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất và phát triển kinh tế.

Sản xuất giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020

8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt trên 60,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước khoảng 28,8 tỷ USD, tăng 44,1%; xuất siêu khoảng 3,3 tỷ USD, giảm 48,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đã tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, hàng rào kỹ thuật, mở cửa thị trường; cập nhật danh sách các DN của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm (cám gạo, tinh bột sắn, sắn khô)...

Đồng thời, Bộ NN&PTNT thúc đẩy thương mại nông sản, mở cửa thị trường nông sản với các nước như Peru, Úc, Braxin, Trung Quốc, Hoa Kỳ, ASEAN, Nga, Séc…

Nhờ đó, XK nông sản đã đạt được kết quả khả quan với tổng giá trị xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt khoảng 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung phục vụ xuất khẩu

Theo nhận định của Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), những tháng cuối năm, ngành Nông nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch Covid-19 dự báo vẫn diễn biến phức tạp... ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản.

Trong tháng 9 các tỉnh phía Nam bước vào vụ thu hoạch trái cây với số lượng lớn, khoảng 406 nghìn tấn cần tiêu thụ. Ngoài ra, các tỉnh còn gần 1,5 triệu tấn rau củ cần được tiêu thụ trong nước và XK. Tuy nhiên, hiện việc thu mua và tiêu thụ nông sản vẫn còn chậm, một số thương lái ngưng thu mua, dẫn đến giá bán trái cây thấp. Một số loại nông sản đạt tiêu chuẩn XK, song năm nay vẫn đang bí đầu ra.

Tương tự với ngành thủy sản, chỉ có 30% DN thủy sản phía Nam đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ”, công suất sản xuất trung bình giảm còn 30 - 40%; nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến, xuất khẩu chỉ đạt 40 - 50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài. Dự báo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất những tháng cuối năm thiếu hụt 20 - 30% do giảm khai thác, thả giống, nhập khẩu; vật tư phục vụ chế biến thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.

Bên cạnh đó, DN XK (rau quả, hồ tiêu) đối mặt khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay, lãi suất còn khá cao như vay thế chấp lãi suất từ 7 - 8% năm, vay tín chấp lãi suất từ 20 - 30% năm. Chính sách cấp tín dụng ngày càng thắt chặt, đưa ra nhiều điều kiện cấp tín dụng. Doanh nghiệp chưa nhận được hỗ trợ giảm lãi vay từ các ngân hàng thương mại cổ phần (ngoại trừ ngân hàng HD Bank).

Không những vậy, hiện nay nhu cầu tiêm vắc-xin cho công nhân sản xuất chế biến và thu mua nguyên liệu trong ngành rau quả, chăn nuôi (gia súc, gia cầm và thủy sản), chế biến nông, lâm, thuỷ sản rất cao, trong khi đó hiện vắc-xin chỉ mới đáp ứng được 10 - 15% cho mũi thứ nhất. Việc thiếu nhân công làm việc sẽ khiến sản xuất không đáp ứng được số lượng hàng hóa theo hợp đồng XK, nguy cơ mất khách hàng và kim ngạch sụt giảm…

Xây dượng phương án cụ thể để tiêu thụ nông sản

Trước những khó khăn đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến - Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt phía Bắc của Bộ NN&PTNT cho biết thêm, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian còn lại của năm 2021 không nhiều, bộ đang yêu cầu các cục, tổng cục phụ trách từng lĩnh vực phải xây dựng cụ thể 2 phương án để tiêu thụ nông sản.

“Kịch bản thứ nhất xây dựng trên cơ sở tình hình dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam cơ bản được kiểm soát trong tháng 9. Kịch bản thứ hai là trường hợp dịch chưa được kiểm soát, các đơn vị cần đánh giá tổng thể từ nay đến cuối năm, thủy sản, lúa gạo, trái cây… còn tồn dư bao nhiêu, còn bao nhiêu XK để đề ra các giải pháp gỡ vướng cụ thể, không thể chung chung như trước được” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.

Đặc biệt, để tháo gỡ khó khăn ở đầu ra cho nửa triệu tấn trái cây đến vụ thu hoạch ở phía Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam – Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ NN&PTNT cũng cho biết, bộ đang đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có chính sách mạnh mẽ hơn để hỗ trợ DN, các đơn vị có thể giảm lãi vay, tăng hạn mức… để DN tiếp cận nguồn vốn, thu mua nông sản. “Bộ NN&PTNT đề xuất xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho ngành Nông nghiệp, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh xem xét các đơn xin vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay...” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Đồng thời, các địa phương tăng cường vai trò của các hợp tác xã, kết nối cung cầu các mặt hàng nông sản với các đầu mối tiêu thụ trong nước. Trước mắt, khuyến khích người dân tiêu dùng mạnh trái cây trong mùa dịch nếu tình hình xuất khẩu gặp khó khăn…

Cùng với việc tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu như: Chuẩn bị tổ chức các hội thảo, diễn đàn thúc đẩy xuất khẩu, mở cửa thị trường, hỗ trợ thông tin DN xuất khẩu nông sản về các hiệp định thương mại; hướng dẫn DN, địa phương về thực thi chính sách, quy định của các thị trường XK phù hợp với tình hình dịch Covid-19. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp XK nông sản đạt tiêu chuẩn XK sang các thị trường châu Âu, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản…

8 tháng, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 11,2 tỷ USD

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến về chế biến gỗ và lâm sản. Tại hội nghị, ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, lũy kế 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,4 tỷ USD, tăng 41,9%; lâm sản ngoài gỗ đạt 0,79 tỷ USD, tăng 54,2%.

Sản phẩm gỗ xuất khẩu sang trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 5 thị trường gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu chính, tổng giá trị xuất khẩu tại 5 thị trường chiếm trên 90% tổng trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản của cả nước.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng năm 2021, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản được dự báo sẽ có mức tăng trưởng tương đương so với năm 2020, khoảng trên 15% do có nhiều thuận lợi.

Khánh Linh