PV: Ông đánh giá thế nào sự phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch Covid-19?

Nhiều doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng đầu tư kinh doanh sang Việt Nam
Ông Shimizu Akira

Ông Shimizu Akira: Tăng trưởng GDP quý II/2022 (từ tháng 4 đến tháng 6) của Việt Nam ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước. Kinh tế Việt Nam được dự báo ​​sẽ phục hồi ổn định từ năm 2022 cùng với chính sách “sống chung với Covid-19” và các chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được đẩy mạnh nhờ lực lượng lao động dồi dào và truyền thống lao động cần cù của người lao động Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần thận trọng trước tình hình biến động kinh tế thế giới, do tình hình chính trị Ukraine, vật giá leo thang, Mỹ tăng lãi suất…

PV: Trước những biến động toàn cầu, theo ông, Chính phủ Việt Nam cần có các giải pháp gì để tăng trưởng kinh tế bền vững trong quý IV/2022 và tạo đà phát triển 2023?

Ông Shimizu Akira: Sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-9 sẽ khiến đầu tư vào Việt Nam tăng cao và chuyển dịch mạnh mẽ chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ dần mất đi lợi thế về nguồn nhân lực do tình hình già hóa dân số trong 30 năm tới và mô hình kinh tế thâm dụng lao động giá rẻ hiện tại sẽ gặp nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, năng suất lao động của Việt Nam tương đối thấp so với nhiều quốc gia khác (chỉ bằng 10% năng suất của Singapore, 40% năng suất của Thái Lan, 60% năng suất của Philippines), nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động được đào tạo lành nghề còn hạn chế để đáp ứng được với cơ hội việc làm tăng cao. Do vậy, Việt Nam cần khẩn trương phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu lao động tăng cao trong thời gian tới.

JICA đã và đang hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững thông qua các hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, cụ thể như hợp tác với trường Đại học Việt – Nhật (VJU), Viện Phát triển nguồn Nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC) và hợp tác kỹ thuật thực tập sinh kỹ năng.

Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

PV: Tình trạng chậm giải ngân vốn dẫn đến “đội vốn” và lãng phí nguồn lực vẫn là trở ngại với thúc đẩy tăng trưởng. Theo ông, đâu là giải pháp cho vấn đề này?

Ông Shimizu Akira: Việc chậm trễ trong phê duyệt các thủ tục có thể dẫn đến tăng tổng chi phí đầu tư của dự án do các yếu tố như: lạm phát, biến động tỷ giá, giá vật tư và thiết bị tăng cao... Đầu tư công đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam trong tương lai. JICA cũng như các nhà tài trợ khác như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… đều mong muốn Chính phủ Việt Nam có thể sớm cải thiện các vấn đề này. Đặc biệt, chúng tôi mong rằng dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam, các vấn đề như: quy định và thủ tục phức tạp, cơ quan đối tác chưa được trang bị đầy đủ để thực hiện dự án… sẽ được cải thiện, đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa các bên hiệu quả hơn.

Hiện nay, nhiều dự án của JICA cũng bị đình trệ, giải ngân chậm trễ do sự phức tạp và chồng chéo trong các thủ tục. Nhiều dự án cần phải đợi lãnh đạo cấp cao phê duyệt đối với những thay đổi rất nhỏ trong dự án… Vì vậy, chúng tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ có những quyết sách mới để thúc đẩy hoàn thành chắc chắn và hiệu quả các dự án đang triển khai, đồng thời hình thành các dự án mới phù hợp với chủ trương của Việt Nam.

PV: Sau Hàn Quốc, Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai trong 5 nền kinh tế lớn nhất tại châu Á đầu tư vào Việt Nam. Ông nhận định thế nào về môi trường kinh doanh hiện nay ở Việt Nam?

Ông Shimizu Akira: Tầm quan trọng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu đã tăng mạnh kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Trước đây, các chuỗi cung ứng được hình thành tập trung ở một vài quốc gia chủ lực, nhưng hiện có xu hướng mở rộng ra nhiều nơi khác nhau. Xu hướng này cũng xuất hiện ngay trong phạm vi Nhật Bản và Việt Nam là một trong những quốc gia có triển vọng trong mở rộng chuỗi cung ứng.

Một điều khá ấn tượng là có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng đầu tư kinh doanh sang Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam hầu như không thay đổi nhiều so với khoảng 10 năm trước đây. Ví dụ: tỷ lệ nội địa hóa ở Trung Quốc là khoảng 60%, ở Thái Lan là gần 50%, còn ở Việt Nam tỷ lệ này chỉ trên dưới 30%, hầu như không thay đổi trong 10 năm trở lại đây. Nhận biết được tình hình đó, chúng tôi hiện đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam.

Các khoản vay tổ chức quốc tế của Việt Nam giảm 16 - 20%

Theo ông Shimizu Akira, trong 4 năm trở lại đây, các khoản vay của Việt Nam từ các tổ chức quốc tế, trong đó có JICA giảm 16-20% so với trước đây. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và có ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, để có thể phát triển bền vững, một quốc gia cần phải đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Trong thời gian tới, ODA vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng - động lực tăng trưởng của Việt Nam. Đặc biệt trong các dự án vốn vay ODA phát triển cơ sở hạ tầng, Việt Nam có thể tận dụng được công nghệ nước ngoài, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm trong xây dựng hay quản lý bảo trì.

Cụ thể là JICA hiện đang triển khai dự án cung cấp hướng dẫn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản, thông qua đó, tiếp nhận nhu cầu của các doanh nghiệp này và tìm kiếm các doanh nghiệp phù hợp, đồng thời hỗ trợ bổ sung về kỹ thuật các điểm còn thiếu, còn yếu. Việc hướng dẫn này sẽ do chuyên gia Nhật Bản đảm nhiệm.

Cùng với dự án trên, trong lĩnh vực đào tạo lao động có tay nghề, JICA đang lên kế hoạch cùng với Chính phủ Việt Nam xây dựng dự án vốn vay ODA hỗ trợ 13 trường đào tạo nghề. Nếu các thủ tục được hoàn tất và dự án được triển khai, chúng tôi kỳ vọng công tác đào tạo lao động trẻ có tay nghề cao trong thời gian tới sẽ có những phát triển nhất định. Một trong những đặc điểm trong các hợp tác của JICA là các chuyên gia Nhật Bản sẽ có mặt để hỗ trợ trong thời gian đầu, tuy nhiên, mục tiêu mà chúng tôi luôn mong muốn hướng đến trong các hợp tác là cuối cùng chính người Việt Nam có thể truyền tải tri thức cho người Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!

Standard Chartered nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7,5%

Ngân hàng Standard Chartered vừa nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay lên 7,5% và năm sau lên 7,2%, lần lượt tăng 0,8% và 0,2% so với dự báo cũ. Mức dự báo này được Standard Chartered đưa ra sau khi chứng kiến tăng trưởng trong quý III của Việt Nam đạt 13,7%.

Trước đó, trong báo cáo cập nhật tháng 10 mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo Việt Nam dẫn đầu ASEAN-5 với mức tăng trưởng năm nay là 7,2%, tăng khá nhiều so với mức 5,3% trong dự báo hồi tháng 4. Năm 2023, WB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,7%. Mức tăng trưởng này giống với dự báo trước đó vào tháng 8.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 8,83%, mức tăng cao nhất của giai đoạn 2021 - 2022, vượt dự kiến kịch bản đặt ra. Với đà tăng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%).

Các con số dự báo có phần khác nhau nhưng các tổ chức đồng thuận quan điểm tăng trưởng của Việt Nam có thể cao nhất khu vực Đông Nam Á. Điều này sẽ tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.