Nhiều lợi ích từ mở rộng phối hợp thu ngân sách

Nguồn: Kho bạc nhà nước Đồ họa: Văn Chung

Tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế

Để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tiếp tục mở rộng công tác phối hợp thu và thanh toán song phương điện tử với các ngân hàng thương mại (NHTM), góp phần tập trung nhanh nguồn thu ngân sách nhà nước cũng như hỗ trợ người nộp thuế và hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao dịch với KBNN. Đến hết quý I/2025, KBNN đã triển khai ký thỏa thuận khung với 21 NHTM, tổ chức kết nối thanh toán song phương điện tử với 20 NHTM.

Thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc đạt trên 44% dự toán

Theo Báo cáo từ Kho bạc Nhà nước, tính đến hết ngày 22/4/2025, lũy kế thu ngân sách nhà nước năm 2025 qua Kho bạc Nhà nước đạt 872.135 tỷ đồng, bằng 44,34% dự toán (1.966.839 tỷ đồng).

Cũng tính đến hết quý I/2025, số lượng tài khoản chuyên thu, chuyên thu tổng hợp của các đơn vị KBNN là 1.739 tài khoản; số lượng tài khoản thanh toán, thanh toán tổng hợp bằng VND là 669 tài khoản, số lượng tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ là 108 tài khoản.

Theo đánh giá từ KBNN, việc phối hợp thu ngân sách với các NHTM đã giúp người dân, doanh nghiệp có thể nộp ngân sách nhà nước tại các điểm giao dịch ngân hàng hoặc thông qua các kênh thanh toán hiện đại như internet banking, mobile banking, POS (máy chấp nhận thẻ), máy ATM, hoặc nộp trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Hình thức thanh toán điện tử song phương cho phép kết nối trực tiếp giữa hệ thống công nghệ thông tin của KBNN với hệ thống ngân hàng, giúp truyền dữ liệu giao dịch thu ngân sách theo thời gian thực, hạch toán chính xác và ghi nhận đầy đủ các khoản thu ngay khi phát sinh.

Từ góc độ người nộp thuế, việc mở rộng mạng lưới phối hợp thu đã mang lại lợi ích rõ rệt khi giảm thiểu thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, giảm bớt thủ tục giấy tờ và không còn bị giới hạn bởi thời gian làm việc hành chính. Việc nộp thuế có thể được thực hiện 24/7, từ bất kỳ địa điểm nào có kết nối internet. Đặc biệt, người nộp thuế có thể tra cứu, kiểm tra thông tin giao dịch ngay sau khi hoàn tất, nâng cao tính minh bạch và tạo sự an tâm trong quá trình thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Bên cạnh đó, việc phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng còn cho phép các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện thanh toán, rút dự toán chi tiêu qua NHTM một cách nhanh chóng, thuận lợi, đồng thời tạo điều kiện đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công - mục tiêu lớn mà Chính phủ đang nỗ lực thực hiện trong thời kỳ chuyển đổi số.

Tập trung nguồn thu nhanh, chính xác

Cũng theo đánh giá từ KBNN, trên phương diện quản lý ngân sách nhà nước, việc triển khai kết nối thanh toán điện tử song phương giữa KBNN và các NHTM có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc rút ngắn quy trình xử lý giao dịch, bảo đảm tốc độ luân chuyển nguồn tiền và nâng cao hiệu quả điều hành ngân sách.

Theo đó, dữ liệu giao dịch thu ngân sách được truyền trực tiếp, tức thời từ ngân hàng về hệ thống của Kho bạc Nhà nước, giúp các khoản thu được tập trung kịp thời, chính xác về tài khoản của Kho bạc tại Ngân hàng Nhà nước. Việc này không chỉ đảm bảo nguồn lực tài chính sẵn sàng cho các nhiệm vụ chi tiêu của ngân sách nhà nước, mà còn hạn chế rủi ro trong quá trình trung gian xử lý dữ liệu, nâng cao tính minh bạch và an toàn cho toàn bộ hệ thống tài chính công.

Đặc biệt, với công cụ báo cáo thống kê điện tử tự động hóa, Kho bạc Nhà nước có thể giám sát, phân tích dòng tiền thu – chi ngân sách một cách chủ động và chính xác theo từng ngày, từng giờ. Đây là yếu tố nền tảng phục vụ tốt cho công tác dự báo, lập kế hoạch thu – chi ngân sách nhà nước, cũng như điều hành ngân quỹ nhà nước linh hoạt trong bối cảnh nhiều biến động kinh tế - tài chính trong nước và quốc tế.

Năm 2025 là năm quan trọng của đề án thanh toán không dùng tiền mặt, do đó, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt, đào tạo nhân sự sử dụng thành thạo các hệ thống thanh toán, KBNN đã đưa ra mục tiêu hoàn thành triển khai phối hợp thu và thanh toán song phương điện tử với toàn bộ các NHTM có đủ điều kiện. Đồng thời, KBNN tiếp tục phát triển và hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đảm bảo 100% giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước thực hiện hoàn toàn bằng phương thức điện tử… để tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia thanh toán.

Bên cạnh đó, KBNN tiếp tục duy trì hoạt động ổn định của các hệ thống thanh toán trong nội bộ hệ thống và thanh toán với các hệ thống ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước và NHTM) đảm bảo thông suốt, kịp thời và an toàn. Rà soát số liệu kế toán - thanh toán các kênh thanh toán, xử lý các lỗi phát sinh trong quá trình chuyển đổi đảm bảo số kế toán và thanh toán khớp đúng. Đặc biệt, KBNN tiếp tục nghiên cứu mô hình thanh toán song phương tập trung giữa KBNN và NHTM để ngày càng gia tăng tiện ích cho người sử dụng.

Có thể thấy, việc mở rộng phạm vi phối hợp thu và kết nối thanh toán song phương điện tử giữa KBNN và các NHTM không chỉ là giải pháp kỹ thuật nghiệp vụ, mà còn là biểu hiện sinh động cho quyết tâm của ngành Tài chính trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Cũng từ việc phối hợp thu và thanh toán song phương điện tử này sẽ từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Kho bạc số hiện đại, công khai, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm, phục vụ cho một nền tài chính công minh bạch và bền vững của KBNN.

Kho bạc Nhà nước khu vực I: Tháo gỡ vướng mắc, quản lý thu hiệu quả

Thành phố Hà Nội có số thu ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng cao trên tổng số thu ngân sách nhà nước (NSNN) toàn quốc (chiếm 15% tổng số thu của cả nước).

Để nâng cao công tác phối hợp thu NSNN trên địa bàn, đảm bảo tập trung nhanh, hạch toán kịp thời các khoản thu vào NSNN, điều tiết đúng tỷ lệ quy định, KBNN khu vực I (KBNN Hà Nội trước đây) đã tích cực phối hợp với cơ quan Thuế, Hải quan, NHTM và các cơ quan liên quan tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp địa điểm thu thuế, phí, lệ phí, nộp phạt vi phạm hành chính qua các kênh giao dịch hiện đại (cổng dịch vụ công quốc gia, các tổ chức dịch vụ trung gian thanh toán), qua các ứng dụng điện tử của NHTM như: internet banking, mobile banhking, ATM, POS...

Bên cạnh đó, KBNN khu vực I đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý thu kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc (hàng ngày); tạo bước chuyển mạnh mẽ từ các đơn vị quản lý thu, giúp các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước được thuận lợi.

Ngoài ra, KBNN khu vực I cũng đề nghị các NHTM thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thu NSNN để nâng cao trình độ cho các cán bộ làm công tác thu NSNN, đồng thời giúp giảm thiểu các sai sót khi hạch toán các khoản thu tại ngân hàng; thực hiện đúng quy trình thu nộp NSNN theo các văn bản hướng dẫn hiện hành. Các NHTM thực hiện ủy nhiệm thu đối chiếu số liệu cuối ngày đúng thời gian quy định, hạch toán số thu vào tài khoản chuyên thu và truyền dữ liệu sang KBNN kịp thời theo thỏa thuận đã ký kết.

Với các giải pháp đã thực hiện, tính đến hết ngày 5/5/2025, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP. Hà Nội đạt 303.702 tỷ đồng, bằng 60,09% dự toán năm, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước.