Tham dự hội nghị, bên cạnh sự hiện diện của đại biểu cơ quan chức năng Việt Nam - Trung Quốc có sự tham gia của 15 doanh nghiệp của tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) và 60 doanh nghiệp Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, xuất, nhập khẩu, nông sản, dược liệu, thực phẩm chế biến, logistics, xây dựng, đầu tư tham dự và kết nối giao thương.

Tại hội nghị, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục XTTM khẳng định, đây là dịp kết nối, trao đổi này, các doanh nghiệp của hai bên, tìm hiểu kỹ hơn nhu cầu xuất, nhập khẩu của nhau, xác định được đối tác tiềm năng, để từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp và hiệu quả.

Xúc tiến thương mại, đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam – Trung Quốc (Tứ Xuyên)
Ông Lê Hoàng Tài phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Hải Anh

Hội nghị là dịp mở ra những cơ hội mới, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam và Tứ Xuyên, tăng cường hơn nữa giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực thương mại, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam, Trung Quốc ổn định, cân bằng, tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ song phương.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến thương mại Tứ Xuyên (Trung Quốc) Lôi Tuyết Kiệt cũng chia sẻ về những tiềm năng, dư địa hợp tác thương mại, kinh tế giữa Việt Nam với Tư Xuyên. Các doanh nghiệp Tứ Xuyên sang Việt Nam lần này là những đơn vị mạnh.

Được biết, Tứ Xuyên là trung tâm của miền Tây Trung Quốc, có thủ phủ là thành phố Thành Đô - một trong những trung tâm giao thông vận tải và giao thương quan trọng của Trung Quốc.

Nhiều tiềm năng, dư địa hợp tác kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Tứ Xuyên (Trung Quốc)
Doanh nghiệp Việt Nam - Tứ Xuyên giao lưu tìm kiếm cơ hội hợp tác tại hội nghị. Ảnh: Hải Anh

Tứ Xuyên có lịch sử lâu dài, cảnh quan đẹp, sản vật phong phú. Năm 2023, Tứ Xuyên có dân số khoảng 84 triệu, quy mô dân số đứng thứ tư trong số các địa phương của Trung Quốc; đứng thứ năm về kinh tế của Trung Quốc với GDP đạt 6.013 tỷ NDT (823,6 tỷ USD). Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2023 kim ngạch hai chiều Việt Nam – Tứ Xuyên đạt 10,8 tỷ SSD tăng 13,8% so với năm 2022.

Cũng theo ông Lôi Tuyết Kiệt, Tứ Xuyên có vị thế quan trọng, nằm trong các quy hoạch chiến lược phát triển liên kết vùng trọng điểm của Trung Quốc như: "Vành đai kinh tế sông Trường Giang", chiến lược “Song Thành” (Trùng Khánh - Thành Đô), tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu. Do đó, Tứ Xuyên có vai trò kết nối liên thông giữa khu vực nội địa Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.