Tuổi 15 qua những con số

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Bằng đánh giá, trải qua 15 năm hoạt động cho đến nay, TTCK Việt Nam phát triển một cách nhanh chóng và đã vận hành an toàn, thông suốt, bảo đảm yêu cầu từng thời kỳ theo hướng ngày càng phát triển.

Mặc dù, trong thời gian đầu mới đi vào hoạt động, TTCK gặp nhiều khó khăn do các yếu tố thị trường trong nền kinh tế chưa được xác lập đồng bộ; sự hiểu biết của xã hội còn hạn chế; nhưng đã vượt qua được và chưa lần nào bị đổ vỡ đến mức phải đóng cửa như TTCK một số nước trong khu vực.

Đến nay, TTCK đã hình thành được một khung pháp lý tương đối đồng bộ, phù hợp với sự phát triển của thị trường trong từng thời kỳ. Mức vốn hóa của thị trường năm 2000 chỉ chiếm khoảng 0,28% GDP, đến nay riêng cổ phiếu đã chiếm gần 32% GDP, nếu cộng cả trái phiếu thì lên tới khoảng 55% GDP. Đây là một con số rất lớn. Nếu so sánh giữa năm 2000 với hiện nay, mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã tăng khoảng gần 900 lần. Khối lượng giao dịch cũng tăng trưởng rất nhanh. Nếu năm đầu tiên, giao dịch bình quân phiên chỉ là 1,4 tỷ đồng, thì hiện nay đã lên tới 5.300 tỷ đồng.

Cùng với đó, hệ thống các tổ chức trung gian, tổ chức giao dịch TTCK ngày càng hoàn thiện và phát triển. Các chuẩn mực về quản trị công ty, công bố thông tin đã từng bước tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế.

Đến nay, quy mô huy động vốn qua TTCK đã đáp ứng khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tỷ lệ đã tương đương gần 60% so với cung tín dụng qua thị trường tiền tệ - tín dụng. Điều này đã cho thấy sự tăng trưởng nhanh của TTCK và đang ngày càng trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tổng giá trị vốn huy động qua TTCK tới nay ước đạt 1,7 triệu nghìn tỷ đồng và huy động khoảng 15 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp. TTCK đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho ngân sách nhà nước và huy động vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Cũng theo ông Vũ Bằng, TTCK góp phần thúc đẩy công tác tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, hỗ trợ tái cơ cấu đầu tư công thông qua việc huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn vốn. Bên cạnh đó, hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng thương mại (NHTM) huy động được lượng vốn lớn qua phát hành cổ phiếu

để đáp ứng yêu cầu tăng vốn điều lệ trong tiến trình tái cấu trúc. Từ 2005 đến nay, thông qua TTCK các NHTM đại chúng đã huy động được hơn 252 nghìn tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu. TTCK đã giúp các NHTM tăng tổng vốn điều lệ từ 20,6 nghìn tỷ đồng lên 272,6 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, TTCK đã góp phần hỗ trợ xử lý sở hữu chéo và thiết lập các chuẩn mực mới về công tác quản trị doanh nghiệp và minh bạch hóa hoạt động doanh nghiệp.

“Mặc dù có sự tăng trưởng nhanh nhưng quy mô của TTCK vẫn còn nhỏ hơn so với cung tín dụng qua hệ thống ngân hàng. Quy mô huy động qua phát hành cổ phiếu còn thấp hơn so với thị trường trái phiếu”, ông Vũ Bằng chia sẻ.

Tiếp tục phát triển kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế

Để thị TTCK thực sự phát triển với quy mô đáp ứng được kỳ vọng của xã hội, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan quản lý, rất cần một sự quyết tâm nhìn nhận, đánh giá đúng về vai trò của TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho phát triển kinh tế. TTCK cũng là nơi kết nối giữa nhu cầu huy động vốn dài hạn với nhu cầu đầu tư dài hạn, là nơi cung cấp các cơ hội đầu tư khác nhau, đa dạng hóa sở hữu, cũng là nơi hội nhập quốc tế và thực thi các chính sách phát triển của Nhà nước và Chính phủ.

Chủ tịch Vũ Bằng cho biết, trong thời gian tới, UBCKNN sẽ tập trung nhiều nhóm giải pháp nhằm tiếp tục duy trì được sự ổn định và phát triển tốt hơn của thị trường.

UBCKNN tích cực triển khai Nghị định 60 sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán, nhằm thực hiện yêu cầu gắn quá trình cổ phần hóa với đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK nhằm minh bạch hóa hoạt động doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư; đồng thời nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp trong các lĩnh vực ngành nghề không bị hạn chế và theo cam kết WTO.

“Chúng tôi tiếp tục triển khai các giải pháp khơi thông dòng vốn trong và ngoài nước như giải pháp để nâng hạng TTCK Việt Nam trên bảng phân loại MSCI, quảng bá hình ảnh TTCK với nhà đầu tư quốc tế; nâng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng tại các doanh nghiệp niêm yết có sở hữu nhà nước”, ông Vũ Bằng nhấn mạnh.

Song song với đó sẽ triển khai các sản phẩm mới, thị trường mới, đặc biệt là thị trường chứng khoán phái sinh; cũng như tích cực và hoàn thiện công tác tái cấu trúc TTCK theo đúng tiến độ và yêu cầu đặt ra.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm trên TTCK, trong đó việc tăng thẩm quyền của UBCKNN trong công tác thanh tra, giám sát, điều tra nhằm bảo vệ lợi ích nhà đầu tư và sự toàn vẹn của thị trường./.

Bài và ảnh: Duy Thái