![]() |
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có nhiều động lực để tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn phát triển mới. Ảnh: Dũng Minh |
Nâng vai trò kênh huy động vốn cho nền kinh tế
Dù còn nhiều thách thức, đặc biệt là tình hình kinh tế, tài chính, thương mại trên toàn cầu biến động khó lường, song Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm giữ nguyên mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GPD từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo tiền đề cho tăng trưởng 2 con số cho giai đoạn tới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% của năm 2025, bên cạnh các động lực tăng trưởng như xuất khẩu, tiêu dùng, việc huy động nguồn lực là vấn đề cốt lõi cho tăng trưởng của Việt Nam. Và để đạt được điều đó, Việt Nam cần nguồn vốn hơn 4 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 160 tỷ USD - đây là một con số rất lớn.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, bên cạnh những nguồn vốn chuẩn bị từ ngân sách nhà nước, thì thị trường vốn là kênh huy động rất quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt là để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng. “Để đạt được mục tiêu chung của nền kinh tế, nhiệm vụ của ngành Chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam là rất lớn. Năm 2025, chúng ta vừa phải phát triển nhanh, để thiết lập nền tảng cho giai đoạn 2026 - 2030, nhưng vẫn phải đảm bảo tăng trưởng bền vững" - Bộ trưởng nói.
“Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính; sự nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết của ngành Chứng khoán và sự ủng hộ, chung sức của thành viên thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế…, với các giải pháp quan trọng đã đề ra, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ nắm bắt tốt cơ hội để có bước phát triển đột phá cả về chất lượng và quy mô, nâng tầm vị thế và sẵn sàng, tự tin bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc” - bà Vũ Thị Chân Phương. |
Nhắn gửi thông điệp tới các tổ chức quốc tế, các quỹ, nhà đầu tư nước ngoài trong một hội nghị mới đây tại Hồng Kông, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tiếp tục nhấn mạnh về quan điểm, chủ trương của Chính phủ, chính sách của Bộ Tài chính đều đề ra mục tiêu và mong muốn phát triển TTCK Việt Nam tăng trưởng ổn định, chất lượng, minh bạch, lành mạnh và bền vững.
Trên thực tế, trải qua gần 25 năm hoạt động, TTCK Việt Nam đã khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả cho ngân sách nhà nước và doanh nghiệp trên thị trường. Đến nay, mức vốn hóa của riêng thị trường cổ phiếu đạt khoảng 62% GDP năm 2024. Chất lượng các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK ngày càng được nâng cao cả về tiềm lực tài chính và quản trị doanh nghiệp.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, trong bối cảnh vĩ mô mới, đặc biệt là mục tiêu và các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới sẽ là động lực rất lớn để thị trường vốn, TTCK Việt Nam củng cố và gia tăng vai trò của mình - kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng, chủ yếu của nền kinh tế.
Chờ những bước tiến kỳ vọng tạo ra phát triển đột phá
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương, trong thời gian tới, ngành Chứng khoán sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam, khẳng định vai trò là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng, chủ yếu của nền kinh tế, góp phần hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
Theo đó, bên cạnh nhiều giải pháp quan trọng như hoàn thiện pháp lý, tái cấu trúc lại cơ sở hàng hóa, cơ sở nhà đầu tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cũng như quản lý, thanh tra, giám sát… thì phấn đấu nâng hạng và đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào vận hành là hai mục tiêu lớn trong năm nay.
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định, việc nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi không những đem lại nhiều cơ hội cho TTCK Việt Nam, các chủ thể tham gia thị trường nói riêng; mà còn góp phần nâng cao hình ảnh, môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển nền kinh tế nói chung.
Các tổ chức tài chính quốc tế, các chuyên gia, thành viên thị trường đều cho rằng, khi được nâng hạng, TTCK Việt Nam sẽ thu hút một lượng vốn, thúc đẩy tăng trưởng quy mô và thanh khoản thị trường.
Theo ông Gary Harron - Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán, HSBC Việt Nam: "Các chỉ số và các bước phát triển định lượng không phải là rào cản đối với tiến trình nâng hạng và câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam rất đáng được ghi nhận. Nhiều chính sách cải cách gần đây đã được đưa ra nhằm mục tiêu đáp ứng các tiêu chí nâng hạng, đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận thị trường nói chung cho nhà đầu tư nước ngoài”.
Một mục tiêu khác cũng đã được thị trường mong đợi từ lâu, đó là vận hành chính thức Hệ thống công nghệ thông tin mới. Theo thông báo chính thức từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), Hệ thống này sẽ được đưa vào vận hành kể từ ngày 5/5/2025.
Theo bà Đặng Thị Thanh Hương - Phó Tổng Giám đốc HOSE, hệ thống công nghệ thông tin mới khi được vận hành an toàn, thông suốt là nỗ lực và thành quả chung của toàn ngành. Khi hệ thống được vận hành hiệu quả cũng là một bước tiến mới cho TTCK Việt Nam, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển và phục vụ tốt hơn doanh nghiệp, nhà đầu tư, là cơ hội để triển khai các sản phẩm mới, cũng như hướng tới nâng hạng thị trường.
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, khi hệ thống công nghệ thông tin mới đi vào hoạt động từ đầu tháng 5 và sau đó là khả năng nâng hạng vào tháng 9 tới sẽ tạo ra cú hích lớn cho thanh khoản và mức độ hấp dẫn của TTCK Việt Nam cũng sẽ được nâng tầm.
Ông Trương Đắc Nguyên - Trưởng Bộ phận Phân tích Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS): Kỳ vọng nâng hạng “thắp lửa” cho thị trường chứng khoán Việt Nam Các động lực hỗ trợ mang tính cấu trúc cũng đang được kích hoạt, tạo nền tảng vững chắc hơn cho thị trường. Nổi bật là nỗ lực nâng hạng thị trường và Việt Nam đang tích cực cải thiện các tiêu chí để được công nhận là thị trường mới nổi trong năm 2025. Nếu đạt được, đây sẽ là bước ngoặt lớn trong thu hút vốn ngoại. Hệ thống công nghệ thông tin mới sẽ chính thức vận hành từ ngày 5/5. Hệ thống mới không chỉ nâng cao hiệu suất và độ an toàn giao dịch, mà còn mở ra khả năng triển khai các sản phẩm mới, đồng thời tăng tính thanh khoản và đáp ứng các tiêu chí nâng hạng. Bên cạnh đó, việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS cũng được xem là bước tiến quan trọng về tính minh bạch và hội nhập. Theo lộ trình, từ sau năm 2025, các doanh nghiệp niêm yết lớn sẽ phải áp dụng IFRS bắt buộc. Việc này sẽ giúp chuẩn hóa báo cáo tài chính, tăng khả năng so sánh quốc tế và thu hút dòng vốn ngoại hiệu quả hơn. Thu Hương (ghi) Ông Bùi Nguyên Khoa - Phó Trưởng phòng Phân tích nghiên cứu, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC): Nhiều điểm tựa hỗ trợ cho thị trường trong trung và dài hạn Chúng tôi vẫn giữ quan điểm tích cực đối với TTCK trong trung, dài hạn. Việt Nam đang tiến hành cải cách mạnh mẽ về thể chế, nhân lực và hạ tầng, với mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số trong nhiệm kỳ mới, sẽ tạo điều kiện nền tảng cho TTCK. Cùng với đó, hệ thống công nghệ thông tin mới khi được vận hành chính thức từ ngày 5/5 tới sẽ giúp cải thiện thanh khoản thị trường và là nền tảng ra đời các sản phẩm mới. Đồng thời, tiến trình nâng hạng thị trường đang có bước tiến tích cực. Nếu được FTSE nâng hạng trong tháng 9/2025 như dự báo, TTCK Việt Nam có thể thu hút 700 triệu đến 1,5 tỷ USD từ dòng vốn ETF và hàng tỷ USD từ các quỹ chủ động. |