Các yếu tố nội tại sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trưởng
Nguồn: HOSE Đồ họa: Văn Chung

PV: Thưa bà, nhiều nhận định cho rằng, năm 2025, dù yếu tố thuận lợi có thể nhiều hơn, song khó khăn, thách thức vẫn còn khó lường. Bà có thể cho biết một vài nhận định tổng quan về các yếu tố có thể tác động tới diễn biến TTCK Việt Nam trong năm nay?

Các yếu tố nội tại sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trưởng

Bà Vũ Thị Chân Phương: Mặc dù có nhiều biến động, nhưng nhìn chung năm 2024 vừa qua, TTCK Việt Nam về cơ bản giữ được sự ổn định, an toàn, phát triển, tiếp tục khẳng định được vai trò là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng của nền kinh tế, doanh nghiệp; thị trường duy trì sự ổn định, thanh khoản tốt, kỷ luật kỷ cương được củng cố, gia tăng tính minh bạch, bền vững. Kỳ vọng những thành quả đạt được tiếp tục tạo động lực cho TTCK Việt Nam phát triển mạnh mẽ, chất lượng, bền vững hơn trong năm mới 2025 và những năm tiếp theo.

Chúng ta đồng thuận với nhau rằng, TTCK luôn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả chủ quan và khách quan. Diễn biến của TTCK là phản ánh tổng hòa của các yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế, sức khỏe của doanh nghiệp… qua lăng kính, niềm tin và sự kỳ vọng của các nhà đầu tư trên thị trường.

Chính vì vậy, diễn biến TTCK năm nay và thời gian tới tiếp tục phụ thuộc phần lớn vào các chính sách kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế trong nước cũng như thế giới. Chúng tôi cho rằng, những thuận lợi và thách thức của thế giới sẽ tiếp tục tác động đa chiều tới kinh tế vĩ mô của Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng.

Ở trong nước, với các giải pháp của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, Việt Nam có nhiều cơ hội để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ đặt ra. Cùng với đó, với giải pháp cải cách, đổi mới của Chính phủ, môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục được cải thiện, hỗ trợ tích cực cho đà phát triển của doanh nghiệp trong năm tới. Ngoài ra, một số yếu tố nội tại mang tính kỳ vọng tâm lý của NĐT như dòng tiền ngoại tích cực hơn, triển vọng nâng hạng… cũng có thể được nhắc tới.

Vì vậy, nhìn một cách tổng thể, TTCK trong nước năm 2025 được dự báo sẽ có gam màu tươi sáng hơn, nhờ những kỳ vọng bứt phát từ các yếu tố mang tính nội lực của Việt Nam.

Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính, sự hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương… những yếu tố tích cực nêu trên hy vọng sẽ tiếp tục tạo điều kiện nền tảng cho TTCK Việt Nam duy trì sự ổn định, thanh khoản tốt, tăng trưởng song hành cả quy mô và chất lượng.

PV: Như bà vừa chia sẻ, công tác nâng hạng là một điểm nhấn trong năm qua và sẽ có nhiều tín hiệu tích cực hơn trong năm 2025 này. Bà có chia sẻ gì về công tác này?

Bà Vũ Thị Chân Phương: Nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi là chủ trương lớn, đúng đắn của Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao trong thời gian vừa qua. Năm 2025 là mục tiêu phấn đấu để TTCK Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi theo Chiến lược Phát triển TTCK đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Việc nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi không những đem lại nhiều cơ hội cho TTCK Việt Nam, các chủ thể tham gia thị trường nói riêng; mà còn góp phần nâng cao hình ảnh, môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển nền kinh tế nói chung. Các tổ chức tài chính quốc tế, các chuyên gia, thành viên thị trường đều cho rằng, khi được nâng hạng, TTCK Việt Nam sẽ thu hút một lượng vốn, thúc đẩy tăng trưởng quy mô và thanh khoản thị trường. Vì thế, đây là quyết tâm lớn và là công tác luôn được UBCKNN tích cực triển khai dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tài chính.

Như chúng ta đã biết, Thông tư 68/2024/TT-BTC đã chính thức được ban hành, đánh dấu một bước tiến quan trọng, tháo gỡ nút thắt về mặt pháp lý, đáp ứng tiêu chí về nâng hạng của tổ chức FTSE Russell. Cùng với đó, Luật Chứng khoán (sửa đổi) cũng đã được ban hành, trong đó có bổ sung nhiều quy định để đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng TTCK.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, UBCKNN vẫn đang tiếp tục làm việc với bộ, ngành có liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cùng phối hợp đưa ra các giải pháp đáp ứng các tiêu chí nâng hạng.

Ngoài ra, UBCKNN đã và đang tích cực chủ động làm việc thường xuyên với các tổ chức xếp hạng, các NĐT quốc tế lớn nhằm tuyên truyền về chủ trương, định hướng và sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong công tác nâng hạng thị trường; tăng cường phối hợp với các NĐT tổ chức nước ngoài để giải đáp thắc mắc và ghi nhận, tháo gỡ các khó khăn của NĐT nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam.

PV: Trong bối cảnh nhiều chủ trương, giải pháp mang tính đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, ngành Chứng khoán sẽ làm gì để đưa TTCK phát triển mạnh mẽ hơn về cả “chất” và “lượng”, thưa bà?

Bà Vũ Thị Chân Phương: Năm 2025 là một năm với nhiều những dấu mốc quan trọng, là năm bản lề kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025; 80 năm thành lập Nước, 50 năm thống nhất đất nước; đối với ngành Tài chính và thị trường tài chính cũng là năm với những sự kiện quan trọng như 80 năm thành lập ngành Tài chính, 25 năm TTCK tổ chức vận hành.

Giao nhiệm vụ cho ngành Chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh rằng, ngành Chứng khoán phải nỗ lực không ngừng từ tất cả các thành viên thị trường, từ việc cải cách cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt thu hút nhà đầu tư quốc tế, thu hút nguồn vốn trung và dài hạn cho NSNN, cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế. Đồng thời, cần tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, an toàn và hấp dẫn, để TTCK Việt Nam trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Để đạt được sự kỳ vọng của Bộ trưởng, trong thời gian tới, ngành Chứng khoán sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp theo chỉ đạo của Bộ và kế hoạch đã đề ra… Với các giải pháp quan trọng nêu trên, TTCK Việt Nam sẽ nắm bắt tốt cơ hội để có bước phát triển đột phá cả về chất lượng và quy mô, nâng tầm vị thế và sẵn sàng, tự tin bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.

PV: Xin cảm ơn bà!

Việt Nam có cơ hội được nâng hạng theo lộ trình

“Việc nâng hạng TTCK phụ thuộc vào sự đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của các NĐT nước ngoài, tuy nhiên, qua ghi nhận từ các tổ chức quốc tế, trong nước, Việt Nam có nhiều cơ hội để FTSE Russell nâng hạng theo đúng lộ trình. Cơ quan quản lý vẫn đang nỗ lực cao nhất để triển khai các công việc tiếp theo để tháo gỡ các nút thắt, nhằm đáp ứng các tiêu chí nâng hạng theo chuẩn của MSCI” - bà Vũ Thị Chân Phương.