Hãy cùng trang tin Therichest điểm qua những phiên giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử của Dow Jones.
Ngày 4/8/2011 - Mức giảm 512,76 điểm
Gần 2,3 ngàn tỷ USD vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư đã “bốc hơi” tại sàn giao dịch chứng khoán New York vào ngày 4/8/2011. Tâm lý lo sợ của các nhà đầu tư khi mà xếp hạng tín dụng của Mỹ có thể sẽ giảm từ mức AAA xuống AA+ trong bối cảnh khủng hoảng nợ đang lan rộng ở Châu Âu, đặc biệt là ở Ý và Tây Ban Nha đã dẫn đến một đợt bán tháo cổ phiếu lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008 và khiến chỉ số Dow Jones trượt dốc 4,3%.
Ngày 2/10/2008 – Mức giảm: 514.45 điểm
Tháng 10/2008 là một ngày đáng nhớ của chứng khoán thế giới khi nó đã chứng kiến sự tụt giảm của cả ba thị trường chứng khoán lớn. Chỉ số Dow Jones đã giảm 514.45 điểm giữa những lo ngại về việc liệu Hạ viện Mỹ có bỏ phiếu thông qua gói cứu trợ tài chính trị giá 700 tỷ USD hay không, cùng với khoản lỗ tệ hơn dự kiến của Wachovia - ngân hàng lớn thứ 4 Mỹ tính theo tổng tài sản. Ngày 2/8 cũng là sự khởi đầu của một trong những tháng tồi tệ nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán New York.
Ngày 27/10/1997 – Mức giảm: 554.26 điểm
Khủng hoảng tài chính Châu Á bùng nổ vào tháng 6/1997. Nó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến phiên sụt giảm mạnh ngày 27/10 của thị trường chứng khoán Mỹ. Thực tế là Phố Wall đã phải ngừng giao dịch sớm 30 phút, theo Uỷ ban Giao dịch chứng khoán Mỹ, vì chỉ số Dow Jones đã sụt giảm ở ngưỡng “nguy hiểm” trước khi đến giờ đóng cửa thông thường của thị trường: 4 giờ chiều.
Ngày 14/4/2000 – Mức giảm: 617.78 điểm
Tháng 3 và tháng 4 là hai tháng đen tối đối với ngành công nghệ khi mà chỉ số NASDAQ đánh dấu mức giảm kỷ lục lên tới 10%. Chỉ số NASDAQ giảm mạnh cùng với tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư về việc Cục dự trữ liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất đã kéo tuột chỉ số Dow Jones trong phiên giao dịch ngày 14/4/2000.
Ngày 9/10/2008 – Mức giảm: 678.91 điểm
Tại phiên giao dịch ngày 9/10/2008, một loạt các thị trường chứng khoán lớn như Đức, Anh, Pháp và Nhật Bản vừa mở cửa đã giảm mạnh tới 10%, trong khi đó tại sàn chứng khoán Nga, mọi giao dịch cổ phiếu trong ngày này đã được dừng hoàn toàn. Ngày 9/10 cũng chứng kiến cổ phiếu của hai hãng ô tô lớn là GM và Ford giảm lần lượt 31% và 21% trong bối cảnh doanh số bán xe đã chạm xuống mức thấp nhất của mọi thời đại, và sẽ tiếp tục giảm sâu hơn nữa.
Ngày 17/9/2001 – Mức giảm: 684.81 điểm
Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu tháng 9/2001 là một trong những thời điểm “u ám” nhất trong lịch sử Dow Jones. Vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11/9 đã làm rung chuyển cả nước Mỹ và buộc trung tâm giao dịch chứng khoán New York phải đóng cửa gần một tuần. Thị trường giảm 7% trong phiên giao dịch trở lại đầu tiên trong đó cổ phiếu của ngành giao thông giảm mạnh nhất với 12,8%.
Ngày 15/5/2008 – Mức giảm: 733.8 điểm
Sau một thời gian cho vay trì trệ dưới tác động của vỡ bong bóng bất sản, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã công bố một gói cứu trợ tài chính chưa từng có kể từ Đại suy thoái. Bằng việc bơm 250 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng, Chính phủ Mỹ về cơ bản sẽ nắm quyền kiểm soát một phần tại các ngân hàng lớn nhất của nước này và qua đó sẽ thúc đẩy tín dụng. Tuy vậy, thị trường chứng khoán có vẻ như không mặn mà gì với động thái này của Chính phủ. Sau khi thông báo trên được đưa ra, chỉ số Dow Jones vẫn giảm 733,8 điểm, mức giảm điểm lớn thứ hai trong lịch sử.
Ngày 29/9/2008 – Mức giảm: 777.68 điểm
Tính đến cuối phiên giao dịch của ngày 29/9, vốn hóa thị trường sàn giao dịch chứng khoán Mỹ đã “bốc hơi” hơn 1,2 ngàn tỷ USD và chỉ số Dow Jones chạm mức đáy trong lịch sử, giảm 777.68 điểm, tương đương 7% do các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu vì lo sợ Quốc hội sẽ không giúp gì được cho thị trường tín dụng đang gần như đóng băng của Mỹ./.
Thu Trà (theo Therichest)