Xây dựng các sản phẩm hỗ trợ theo phương thức điện tử
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế), năm 2022 bên cạnh các phương thức tuyên truyền hỗ trợ (TTHT) truyền thống, ngành Thuế đã nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác TTHT người nộp thuế (NNT) và xây dựng các sản phẩm hỗ trợ NNT theo phương thức điện tử.
Cụ thể, trong công tác tuyên truyền, Cổng thông tin điện tử (TTĐT) Tổng cục Thuế và cổng TTĐT của 63 cục thuế địa phương liên tục cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, các chính sách thuế mới; các văn bản giải đáp vướng mắc của NNT... Qua đó, cơ quan thuế chủ động nắm bắt những tình huống phát sinh, theo sát và cập nhật thông tin hoạt động của ngành trên website để cộng đồng người dân, doanh nghiệp (DN) biết và hưởng ứng, tạo sự đồng thuận trong xã hội; góp phần quan trọng xây dựng rõ nét hơn hình ảnh ngành Thuế “Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới”.
Bà Hà cho biết, năm 2022, Chính phủ tiếp tục có những chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế mới nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN, đồng thời, hệ thống pháp luật về thuế cũng có những thay đổi mang tính bước ngoặt như việc ban hành Luật Quản lý thuế số 38 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Phát huy hiệu quả TTHT theo phương thức điện tử đã áp dụng từ năm 2021, cơ quan thuế các cấp đã triển khai thêm nhiều giải pháp hỗ trợ NNT bằng phương thức điện tử, như hỗ trợ trực tuyến quyết toán thuế và tổ chức đối thoại với NNT theo phương thức trực tuyến…
Nguồn: Cục Thuế TP. Hải Phòng. Đồ họa: Thế Dương |
Chia sẻ về việc đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ NNT bằng phương thức điện tử, ông Hà Văn Trường - Cục trưởng Cục Thuế TP. Hải Phòng cho biết, với phương châm lấy người dân và DN làm trung tâm phục vụ, năm qua cục thuế luôn nỗ lực cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Trong đó, kênh Zalo đã đăng tải 45 tin bài, hỗ trợ qua Zalo cho 13.311 lượt NNT; kênh Youtube đăng tải 40 video; kênh Facebook đăng tải gần 100 bài viết về chính sách thuế, thủ tục hành chính (TTHC); số lượt thư điện tử đã gửi cho NNT là 202.000 lượt; trả lời vướng mắc của NNT qua ETax là 278 vướng mắc...
Đồng thời, đơn vị tổ chức đối thoại theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Cụ thể, Cục Thuế TP. Hải Phòng đã tổ chức 15 lớp tập huấn cho NNT với 3.648 lượt NNT tham dự; tổ chức 7 buổi đối thoại với NNT với 2.813 lượt người tham gia. Hình thức đối thoại này có nhiều ưu điểm, đó là cơ quan thuế có thể tương tác trực tiếp với NNT tại các điểm cầu; đồng thời các tổ chức, DN ở xa, không thể đến dự cũng có thể theo dõi trực tiếp trên các kênh mạng xã hội của cơ quan thuế.
Tiếp tục nâng cao chất lượng tuyên truyền hỗ trợ
Để nâng cao chất lượng TTHT trong thời gian tới, lãnh đạo Vụ TTHT NNT cho rằng, hoạt động quản lý thuế là lĩnh vực chuyên sâu, có tính đặc thù và có tính nhạy cảm, phạm vi ảnh hưởng lớn, tác động trực tiếp đến người dân, DN và mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Xác định vai trò và tầm quan trọng của hoạt động TTHT NNT, trong năm 2023, phương thức TTHT NNT qua các thiết bị thông minh, truyền thông đa phương tiện sẽ được đẩy mạnh. Trong đó, tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các trang thông tin điện tử tại Tổng cục Thuế và 63 cục thuế; đề xuất nâng cấp, xây dựng khung kiến trúc Trang thông tin điện tử của ngành Thuế theo hướng tăng hiệu năng về truyền thông cũng như hiệu quả triển khai các dịch vụ thuế điện tử qua hệ thống website ngành Thuế.
Công tác tuyên truyền, hỗ trợ mang lại hiệu ứng cao Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam đánh giá, ngành Thuế những năm qua và cả năm 2022 đã cải cách thủ tục hành chính rất mạnh như công tác quản lý kê khai nộp thuế, hoàn thuế điện tử, thủ tục trao đổi thông tin… Cùng với đó, những thay đổi về công tác tuyên truyền, như các chương trình tiểu phẩm về thuế theo tình huống cụ thể, dễ hiểu… được đưa lên giờ vàng VTV1; Tổng cục Thuế có thêm bộ phận truyền thông chuyên nghiệp… |
Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện quy chế, quy trình đăng tải thông tin văn bản pháp luật thuế, văn bản hướng dẫn về thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và trên các phương tiện thông tin đại chúng; thiết kế khung cơ sở dữ liệu điện tử hỗ trợ NNT; xây dựng cơ sở dữ liệu về văn bản pháp luật thuế, văn bản hướng dẫn NNT thực hiện chính sách thuế, TTHC thuế.
Bà Hà cho hay, đơn vị sẽ thiết kế, triển khai dịch vụ cung cấp thông tin tự động (AI, chatbot) cho NNT khởi nghiệp, NNT là cá nhân; trước mắt thí điểm tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, sau mở rộng triển khai toàn quốc.
Đồng thời, Vụ TTHT NNT phối hợp với các vụ, đơn vị chức năng triển khai ít nhất 80% TTHC thuế theo hình thức giao dịch điện tử cấp độ 3, 4; nâng cấp ứng dụng, ban hành tài liệu hướng dẫn thực hiện TTHC thuế điện tử tương ứng dịch vụ mới được cung cấp; cung cấp dịch vụ tra cứu nghĩa vụ thuế, hồ sơ thuế điện tử cho NNT.
Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sự hài lòng của NNT về giải quyết TTHC thuế và sự phục vụ của cơ quan thuế. Đây là công cụ để đo sự tiến bộ và hiệu quả của cơ quan thuế trong công tác phục vụ, hỗ trợ NNT…