Những thương hiệu bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng của Nga

Ảnh minh họa. Ảnh: CNN Money

Đồng rúp mất giá kéo theo giá cả hàng hóa leo thang. Nhiều người dân Nga đã đổ xô đi mua sắm trước khi giá cả tiếp tục tăng cao. Tuy vậy, doanh thu bán hàng của nhiều công ty phương Tây vẫn ở mức thấp.

Một vài công ty như IKEA, GM và Apple đã dừng một vài hoạt động kinh doanh ở Nga.

Sau đây là những thương hiệu bị ảnh hưởng nặng nề nhất:

1. Ford:

Năm nay thật sự là một năm khó khăn đối với các công ty sản xuất ô tô ở Nga. Doanh thu bán ô tô sụt giảm 12%, trong đó Ford là một trong những hãng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong vòng 11 tháng qua, doanh thu của Ford giảm 40%, theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu.

Hãng xe của Mỹ này đã phải cắt giảm 950 việc làm tại Nga trong tháng 4.

2. Volkswagen

Volkswagen đã dừng hoạt động nhà máy ở thành phố Kaluga 10 ngày trong tháng 9 vừa qua do tình trạng tồi tệ của nền kinh tế.

Trong 11 tháng đầu năm, doanh thu bán hàng tại Nga của Volkswagen sụt giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

3. Carlsberg

Công ty sản xuất bia của Đan Mạch Carlsberg đã 2 lần đưa ra những cảnh báo về sụt giảm lợi nhuận trong năm nay do cầu ở Nga sụt giảm. Khối lượng bia tiêu thụ giảm 7% trong 6 tháng đầu năm do tăng trưởng yếu và thời tiết xấu. Cổ phiếu của Carlsberd đã giảm giá 20% trong năm nay.

4. Adidas

Do tiêu dùng sụt giảm, hãng đồ dùng thể thao của Đức Adidas đã phải đóng nhiều cửa hàng và xem xét lại kế hoạch mở rộng ở Nga.

Adidas là một trong những thương hiệu bán lẻ lớn nhất ở Nga với 1.100 cửa hàng. Herbert Hainer, nhà điều hành của hãng này, tháng trước đã cho biết Adidas đang bị ảnh hưởng nặng nề do tiêu dùng sụt giảm và đồng rúp mất giá.

5. BP

Giá dầu sụt giảm và việc áp dụng cách lệnh trừng phạt thực sự ảnh hưởng nặng nề đến các công ty dầu mỏ. BP nắm giữ một phần lớn cổ phần của Rosneft – công ty dầu mỏ lớn nhất của Nga. Trong khi đó 86% sự sụt giảm lợi nhuận trong quý 3 của Rosneft là do sự mất giá của đồng rúp và dầu Urals giảm.

Cổ phiếu của BP đã giảm 17% trong năm nay.

6. ExxonMobil

ExxonMobil cùng với Rosneft tiến hành một dự án dầu mỏ ở Bắc Cực đầu năm nay. Tuy nhiên, dự án này không thể tiến hành nếu các lệnh trừng phạt chưa bị dỡ bỏ.

7. Total

Kế hoạch tăng trưởng của tập đoàn năng lượng của Pháp Total cũng bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt. Dự án thăm dò dầu với Lukoil của Nga hiện bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt.

8. McDonald's

Đầu năm nay, Nga đã buộc McDonald đóng cửa 12 cửa hàng do vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tất cả các cửa hàng hiện đã mở cửa trở lại, tuy nhiên McDonald cho biết doanh thu khá thấp.

9. Siemens

Doanh thu của Siemens ở Nga đã giảm 14% trong năm tài khóa 2014 so với năm trước đó.

10. Các ngân hàng châu Âu

Khủng hoảng tài chính leo thang ở Nga đang trở thành một vấn đề đau đầu với các ngân hàng Phương Tây. Dư nợ của các ngân hàng của Châu Âu cho Nga tính đến cuối tháng 6 là 155,9 tỷ USD, tương đương 1% tổng cho vay của các ngân hàng này./.

Mai Linh (theo CNN Money)