UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có báo cáo đánh giá vai trò, hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
Tại báo cáo này, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tính đến 31/3/2020, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 2.215 tỷ đồng, tăng 832 tỷ đồng so với năm 2016, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15%/năm.
Doanh số cho vay từ năm 2016 đến 31/3/2020 là 3.355 tỷ đồng, với hơn 122 nghìn lượt vay; doanh số thu nợ là 2.358 tỷ đồng. Tổng dư nợ 15 chương trình tín dụng đạt 2.207 tỷ đồng, tăng 826 tỷ đồng so với đầu năm 2016.
Về chất lượng tín dụng, đến 31/3, nợ quá hạn là 6,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,3%/tổng dư nợ, giảm 3 tỷ đồng so với đầu năm 2016; nợ khoanh là 20,3 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,92%/trong dư nợ.
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho hơn 11.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết cho hơn 16.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; hơn 5.000 lao động được tạo việc làm từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm; xây dựng trên 17.500 công trình vệ sinh môi trường và hơn 10.200 công trình nước sạch ở nông thôn; hơn 47 nghìn hộ thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi được vay vốn phát triển kinh tế xã hội theo Quyết định 2085/QĐ-TTg với số tiền hơn 1.400 tỷ đồng….
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, việc tổ chức thực hiện tín dụng chính sách giúp cho hầu hết hộ vay vốn đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức, sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đầy đủ. Nhiều hộ dân đã biết cách làm ăn, trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững./.
Bùi Tư