Nỗ lực từ hai phía để phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp
Hải quan các địa phương ký kết thỏa thuận đối tác với các doanh nghiệp trọng điểm trên địa bàn. Ảnh: Hà Thái.

Tin cậy, đồng hành cùng phát triển

Mục tiêu về phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp trong Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 đặt ra là: “Xây dựng quan hệ đối tác giữa cơ quan hải quan với doanh nghiệp tin cậy để hình thành chuỗi cung ứng tin cậy trên cơ sở nghiên cứu, xây dựng và triển khai chương trình đối tác tin cậy với sự tham gia của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu và các đối tác thương mại của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng”.

Để công tác triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp ngày càng đi vào hiệu quả và thực chất, cơ quan hải quan luôn xác định doanh nghiệp là đối tác tin cậy, đồng hành cùng phát triển, hướng đến xây dựng đối tác hải quan - doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về hải quan.

Tiếp tục phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp

Trong thời gian tới, cơ quan hải quan và các đối tác tập trung hướng tới các hoạt động có liên quan đến các nội dung, như: triển khai đồng bộ các giải pháp về thông tin, tham vấn, tham gia, hợp tác tại các cấp của Tổng cục Hải quan trên phạm vi toàn quốc; xây dựng quan hệ đối tác dựa trên thế mạnh, năng lực, nhu cầu hợp tác của doanh nghiệp; tăng cường sự tham gia trong tiến trình cải cách hiện đại hóa và chuyển đổi số của cơ quan hải quan theo định hướng của Chính phủ…

Việc phát triển quan hệ đối tác được “thẩm thấu” vào tất cả các khâu nghiệp vụ của ngành Hải quan. Các hoạt động được triển khai cụ thể như: cung cấp thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp các nội dung trọng yếu về thủ tục hải quan, chính sách mặt hàng, chính sách thuế, quy định mới... bằng nhiều hình thức. Bên cạnh đó, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tham gia phản biện hoàn thiện chính sách pháp luật hải quan, tham gia giám sát thực thi pháp luật hải quan, hợp tác đối tác nâng cao năng lực thực thi pháp luật của hải quan và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực hải quan.

Cơ quan hải quan các cấp chủ động nghiên cứu, đổi mới đưa ra các giải pháp, sáng kiến, công cụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan phù hợp với đặc điểm địa bàn, tính chất hoạt động của doanh nghiệp.

Cán bộ công chức hải quan thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin hoạt động sản xuất và kế hoạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, có giải pháp phù hợp để hỗ trợ. Đồng thời chủ động phân tích, đánh giá tình huống thực tế, xác định các vấn đề thời sự, lựa chọn đúng các nhóm doanh nghiệp trọng điểm cần quan tâm để tổ chức triển khai các hoạt động đối tác trọng điểm cho phù hợp.

Đặc biệt là tăng cường hoạt động thu thập thông tin đánh giá chất lượng phục vụ dịch vụ công trong lĩnh vực hải quan của doanh nghiệp đối với cơ quan hải quan (thông qua khảo sát sự hài lòng khách hàng, phần mềm khai báo hải quan,...) để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Hiệu quả thiết thực cho xuất nhập khẩu

Những nỗ lực nói trên được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá khá tích cực. Theo bà Đinh Thị Thắm - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Murata Manufacturing Việt Nam, việc nắm bắt được quy định mới, những thay đổi về chính sách rất quan trọng. Vì vậy việc chia sẻ, hỗ trợ, giải đáp vướng mắc và cung cấp thông tin kịp thời từ phía cơ quan hải quan là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp duy trì lịch sử tuân thủ tốt pháp luật.

Đồng tình, bà Nguyễn Thị Việt Phương - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú đánh giá, hoạt động phối hợp, đồng hành của cơ quan hải quan với doanh nghiệp được duy trì trong nhiều năm qua. Năm 2023, hoạt động sản xuất xuất khẩu của doanh nghiệp gặp khó, khi những đơn hàng xuất khẩu “eo hẹp” thì tính cạnh tranh ngày càng cao hơn, việc giải quyết thủ tục hải quan nhanh chóng, thuận lợi là yếu tố giúp doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh. Nhiều đơn hàng gấp, phải làm thủ tục ngoài giờ hành chính để kịp chuyển hàng lên tàu đều được cơ quan hải quan hỗ trợ giải quyết thủ tục nhiệt tình, không để doanh nghiệp gặp tình trạng “rớt hàng” vì yếu tố liên quan đến hải quan.

Cùng chung nhận xét, bà Nguyễn Thị Tình - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Hàng tiêu dùng Kim Dương Việt Nam cho rằng, việc tạo thuận lợi của Chi cục Hải quan Hải Dương là một trong những tác nhân quan trọng giúp doanh nghiệp sớm có được sự ổn định, phát triển trong sản xuất, kinh doanh. Còn theo ông Hoàng Văn Tuyền - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Myongshin Tech Vina, hàng năm doanh nghiệp đều ký kết Bản thỏa thuận phát triển quan hệ đối tác với cơ quan hải quan để hai bên cùng chủ động thực hiện hiệu quả, thực chất các nội dung thỏa thuận.

Khi xây dựng quan hệ đối tác, các hiệp hội và doanh nghiệp đã chủ động tham vấn với cơ quan hải quan về các nội dung hoàn thiện chính sách pháp luật hải quan, các nội dung trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan. Ngoài ra, các đối tác của cơ quan hải quan cũng đã nỗ lực hỗ trợ các chuyên đề có liên quan đến đào tạo kỹ năng cho công chức hải quan trong phân biệt hàng thật - giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…

Sự nỗ lực từ cả hai phía đã, đang và sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, qua đó góp phần phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng chung của cả nước.

ÔNG LƯƠNG KHÁNH THIẾT - PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC BAN CẢI CÁCH HIỆN ĐẠI HÓA HẢI QUAN (TỔNG CỤC HẢI QUAN): Thu thập thông tin đánh giá để nâng cao chất lượng phục vụ

Nỗ lực từ hai phía để phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp
Ông Lê Thành Vân

Cơ quan hải quan các cấp cần chủ động nghiên cứu, đổi mới, đưa ra các giải pháp, sáng kiến, công cụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan phù hợp với đặc điểm địa bàn, tính chất hoạt động của doanh nghiệp. Phân công cán bộ công chức thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin hoạt động của doanh nghiệp, có giải pháp phù hợp để hỗ trợ. Đồng thời, tăng cường thu thập thông tin đánh giá của doanh nghiệp đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực hải quan để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cơ quan hải quan đặt mục tiêu không ngừng đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng, hiện đại hóa công tác phát triển quan hệ đối tác để cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan tham gia vào tiến trình cải cách, hiện đại hóa, chuyển đổi số của cơ quan hải quan; đồng thời nâng cao tính tự nguyện tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp./.

ÔNG LÊ THÀNH VÂN - PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC HẢI QUAN ĐỒNG NAI: Trao đổi thông tin hai chiều, giám sát thực thi pháp luật

Nỗ lực từ hai phía để phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp
Ông Lương Khánh Thiết

Cục Hải quan Đồng Nai xác định cải cách hành chính, phát triển mối quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm để đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, nắm bắt được cơ hội phục hồi. Để các doanh nghiệp thực sự là đối tác hải quan, đơn vị đã đề ra mục tiêu là phải hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt kịp thời chính sách pháp luật mới về hải quan, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp làm thủ tục.

Việc kết nối giữa hai bên được thực hiện thường xuyên, liên tục, chặt chẽ, đồng bộ ở cả ba cấp: cục - chi cục - tổ, đội, cán bộ công chức hải quan. Qua đó đã tạo được môi trường bình đẳng, công khai, minh bạch để hải quan và doanh nghiệp cùng trao đổi thông tin hai chiều; giám sát thực thi pháp luật trên cơ sở bộ tiêu chí đánh giá của doanh nghiệp về sự phục vụ của cơ quan hải quan./.