Một vụ buôn lậu thuốc lá bị lực lượng Hải quan Quảng Trị bắt giữ. Ảnh: TL.

PV: Xin ông chia sẻ về thực trạng buôn lậu thuốc lá hiện nay. Thực trạng này có ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế - xã hội, sức khỏe của người dân và sản xuất trong nước, thưa ông?

Ông Đỗ Hồng Trung

Ông Đỗ Hồng Trung: Thời gian qua, tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn diễn ra khá phức tạp. Trên tuyến biên giới thì phổ biến ở khu vực biên giới Tây Nam Bộ và các tỉnh miền Trung. Trong nội địa, hoạt động buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Thống kê trong khoảng 2 tháng gần đây, chỉ tính những vụ việc điển hình thì lực lượng chức năng trên cả nước đã bắt giữ khoảng 100.000 bao thuốc và gần 300.000 sản phẩm thuốc lá điện tử thế hệ mới các loại, cũng như tinh dầu bán trên thị trường. Thực trạng đó cho thấy vẫn cần phải quan tâm hơn đến việc ngăn chặn trong thời gian tới.

Việc buôn lậu, buôn bán, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu cũng như thuốc lá điện tử thế hệ mới có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Trước hết, Nhà nước sẽ thất thu thuế. Thứ hai doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chính thống phải gồng mình lên để cạnh tranh với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường, bởi các sản phẩm đó không chịu bất cứ một loại thuế nào.

Với người dân, người tiêu dùng, tức là những người hút thuốc lá thì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều hơn khi hút các loại thuốc lá không được cơ quan kiểm soát nguồn gốc và chất lượng.

PV: Thông qua việc kiểm soát mặt hàng này thời gian qua, lực lượng chức năng nhận thấy tội phạm buôn lậu thuốc lá thường sử dụng những phương thức, thủ đoạn như thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Hồng Trung: Qua một thời gian dài đấu tranh với mặt hàng đặc thù này, chúng tôi cũng cơ bản nhận diện được một số phương thức, thủ đoạn của đối tượng buôn lậu.

Phát hiện nhiều vụ việc nhập lậu thuốc lá

Những tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng ở trung ương và các tỉnh, thành phố đã kiểm tra, phát hiện 2.799 vụ việc vi phạm liên quan đến thuốc lá nhập lậu. Qua đó tịch thu hơn 3 triệu bao thuốc lá điếu; gần 31,7 nghìn sản phẩm thuốc lá điện tử; 3,1 tấn nguyên liệu thuốc lá. Đặc biệt có 174 vụ/189 bị can đã bị xử lý hình sự.

Trên các tuyến biên giới phía Tây Nam, các sản phẩm thuốc lá được tập kết phía bên kia biên giới, thậm chí là trong các kho hàng ở phía bên kia biên giới. Chờ thời cơ, các đối tượng sẽ tuồn vào nội địa thông qua tuyến đường sông, các tuyến kênh, ngòi. Sau đó là vận chuyển bằng các loại phương tiện xe máy, xe ô tô, thậm chí là sử dụng xe chuyên dùng. Đó thường là những phương tiện rẻ tiền nhưng lại có tốc độ cao. Khi bị truy bắt, các đối tượng có thể bỏ lại phương tiện, kể cả ở trên sông, ngòi để chạy thoát thân.

Khi vào trong nội địa rồi, các sản phẩm này được các đối tượng vận chuyển bằng xe chuyên dùng, ví dụ như xe bưu chính, để vận chuyển bởi hàng hóa chuyên chở trên các dạng xe này khó kiểm soát được nội dung bên trong và dễ lưu thông trong nội địa.

Bên cạnh đó, hiện nay, việc bày bán thuốc lá nhập lậu công khai rất ít. Các đối tượng chủ yếu lợi dụng sự phát triển của thương mại điện tử để bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok… Khi có người mua thì giao hàng thông qua hệ thống “shipper” và cơ quan chức năng cũng khó kiểm soát được nội dung vận chuyển. Theo thống kê của chúng tôi, trên mạng xã hội đang tồn tại rất nhiều các hội, nhóm buôn bán thuốc lá ngoại. Có những hội, nhóm lên đến vài chục nghìn người tham gia.

PV: Vậy các lực lượng chức năng gặp phải khó khăn gì trong quá trình đấu tranh với loại tội phạm này, thưa ông?

Ông Đỗ Hồng Trung: Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, chúng tôi đã cùng với các bộ, ngành, địa phương rà soát các khó khăn trong việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, cũng như chống buôn lậu thuốc lá nói riêng.

Qua rà soát nhận thấy, một số cơ chế, chính sách đang chưa thông nhất, dẫn đến vướng mắc trong thực thi. Những vướng mắc này, chúng tôi đã tổng hợp và gửi tới các đơn vị chủ trì theo thẩm quyền để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, thậm chí là thay thế.

“Nóng” buôn lậu thuốc lá cuối năm
Ảnh minh họa.

Một vấn đề nữa là trang thiết bị, phương tiện của các lực lượng còn hạn chế về số lượng cũng như chất lượng. Công suất của phương tiện không theo được các đối tượng vi phạm.

Ngoài ra, do nhận thức, người dân ở nhiều địa phương vẫn có sự tiếp tay, bao che cho các hoạt động buôn lậu thuốc lá. Đây cũng là một khó khăn.

PV: Thực trạng buôn lậu thuốc lá trong thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong thời điểm cuối năm, giáp Tết Nguyên đán. Vậy, các lực lượng chức năng có biện pháp gì để đấu tranh hiệu quả hơn, thưa ông?

Ông Đỗ Hồng Trung: Thường ở giai đoạn giáp tết hàng năm, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đều tham mưu cho lãnh đạo Ban chỉ đạo 389 quốc gia ban hành những văn bản chỉ đạo về công tác kiểm tra trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Khi các văn bản chỉ đạo được ban hành, các lực lượng chức năng cần thực hiện nghiêm các nội dung đó. Đặc biệt là thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 30/CT-TTg về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá với những nhiệm vụ cụ thể đã được Thủ tướng Chính phủ giao cụ thể cho từng đơn vị, bộ, ngành.

PV: Đó là từ phía cơ quan chức năng, vậy còn từ phía các doanh nghiệp. Ông kỳ vọng điều gì từ sự phối hợp của các doanh nghiệp thuốc lá trong quá trình chống buôn lậu mặt hàng này, nhằm giảm thiểu vi phạm, thưa ông?

Ông Đỗ Hồng Trung: Tôi cho rằng, khối doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng trong việc cung cấp các thông tin. Thậm chí doanh nghiệp có thể chủ động chia sẻ về biện pháp phối hợp cùng với các cơ quan chức năng để triển khai hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống thuốc lá nhập lậu.

Những thông tin mà doanh nghiệp cung cấp rất quan trọng, song thời gian qua, gần như họ rất ít chia sẻ thông tin này.

Thời gian tới, cần tăng cường sự gắn kết giữa khối doanh nghiệp sản xuất thuốc lá với khối cơ quan quản lý nhà nước.

PV: Xin cảm ơn ông!

Chủ động nắm chắc tình hình để chống thuốc lá lậu

Những tháng cuối năm và cận tết, tình hình buôn lậu thuốc lá, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới sẽ có chiều hướng gia tăng, phức tạp. Vì vậy, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nhất là các văn bản chỉ đạo về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặt hàng thuốc lá.

Bên cạnh đó, các lực lượng chủ động nắm chắc tình hình, làm tốt công tác điều tra cơ bản; nhận diện phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động, đối tượng, đường dây, tuyến địa bàn trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Các lực lượng, đơn vị, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp thường xuyên trao đổi tình hình, chia sẻ thông tin, phối hợp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặt hàng thuốc lá... Đồng thời, lực lượng chức năng tiếp tục rà soát, kiến nghị xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng thuốc lá.