Lách luật để cho vay nặng lãi bằng hàng loạt loại phí

Thống kê của Cục Cảnh sát Hình sự cho thấy, hiện toàn quốc có hơn 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ và rất nhiều trong số đó có biểu hiện cho vay lãi nặng và đòi nợ kiểu khủng bố. Ngoài các ngân hàng và công ty tài chính được hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng thì dịch vụ cầm đồ là mô hình duy nhất được cho vay và phù hợp với các khoản vay tiêu dùng bùng nổ.

Về góc độ pháp lý, kinh doanh dịch vụ cầm đồ là kinh doanh dịch vụ cho vay tiền, mà người vay tiền phải có tài sản hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố. Công ty cầm đồ hoạt động theo Luật Dân sự, với lãi suất cho vay không quá 20%/năm.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các công ty, cửa hàng cầm đồ đã biến tướng nhiều loại hình dịch vụ, lách luật bằng các loại phí. Cụ thể, ngoài lãi suất, người vay phải chịu thêm nhiều loại chi phí khác như: phí thẩm định, phí quản lý tài sản, bảo hiểm....

Do đó, số tiền khách hàng phải trả rất cao so với quảng cáo. Một số đơn vị cầm đồ thường sử dụng những đối tượng thu nợ là "xã hội đen", trấn áp và khủng bố con nợ, thậm chí nhiều vụ án mạng liên quan tới cho vay cầm đồ đã xảy ra.

Núp bóng dịch vụ cầm đồ để cho vay nặng lãi
Lực lượng chức năng kiểm tra tại cơ sở F88. Ảnh: Công an Thanh Hoá

Mới đây, ngày 29/3/2023, Công an tỉnh tỉnh Thanh Hoá huy động gần 2.500 cán bộ chiến sỹ các phòng nghiệp vụ, công an các huyện, thị xã, thành phố đồng loạt ra quân tổng kiểm tra trên 735 cơ sở cầm đồ, cho vay dịch vụ tài chính trên địa bàn toàn tỉnh.

Kết quả, lực lượng Công an Thanh Hoá đã phát hiện 405 cơ sở vi phạm các quy định, như: không đủ tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy; sổ sách ghi chép không đảm bảo; cầm cố xe chính chủ không có giấy ủy quyền; hệ thống lưu giữ vật cầm cố không đúng với đăng ký với cơ quan có thẩm quyền… Cơ quan chức năng đã tạm giữ hơn 600 phương tiện ô tô, mô tô và các tài liệu khác có liên quan đến việc vi phạm trong hoạt động cầm cố và kinh doanh tài chính.

Theo Công an tỉnh Thanh Hoá, đợt ra quân kiểm tra lần này để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để các điều kiện, nguyên nhân làm phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” núp bóng các cơ sở kinh doanh cầm đồ và cho vay dịch vụ tài chính.

Thượng tá Hoàng Văn Bình - Phó Trưởng Công an huyện Quảng Xương, Thanh Hóa cho biết, các đối tượng cho vay nặng lãi hoạt động hết sức tinh vi bằng cách thành lập các công ty tài chính, cơ sở dịch vụ cầm đồ hoặc tổ chức chơi bốc thăm hụi, họ, bươu, phường... để lén lút cho vay với lãi suất cao (dao động từ 3.000 đến 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày). Hợp đồng cho vay thường thể hiện nội dung với mục đích vay tiền là xin việc hoặc mua bán, cầm cố tài sản nhưng không ghi rõ mức lãi suất gây khó khăn trong công tác phát hiện, điều tra, xử lý.

Cần ban hành quy định rõ ràng, quản lý chặt chẽ

Theo Hiệp hội Ngân hàng, trên thị trường có hai loại hình cho vay. Đó là cho vay cầm đồ và cho vay tài chính tiêu dùng. Hoạt động cho vay cầm đồ là kinh doanh có điều kiện, do Bộ Công an quản lý. Các tổ chức này hoạt động theo đăng ký kinh doanh và chịu sự điều chỉnh theo Bộ luật Dân sự về cầm đồ và quy định về an ninh trật tự.

Còn hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng mà các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép chịu sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Doanh nghiệp. Các công ty tài chính tiêu dùng hoạt động theo hệ số an toàn, rủi ro, nợ xấu, hạn mức cho vay... dưới sự giám sát, thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước.

Núp bóng dịch vụ cầm đồ để cho vay nặng lãi
Xe môtô được xác định thiếu giấy tờ hợp lệ tại tiệm cầm đồ. Ảnh: TL

Mặc dù cầm đồ được quy định là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP, nhưng hoạt động này vẫn chưa thực sự có một hành lang pháp lý đủ cụ thể và chặt chẽ, trong khi việc kinh doanh phức tạp, có nhiều yếu tố nhạy cảm.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Hãng luật TGS, việc quản lý hoạt động cho vay của hệ thống các cửa hàng của tiệm cầm đồ, chuỗi cầm đồ có đăng ký kinh doanh hiện nay còn lỏng lẻo, trong khi con số cơ sở kinh doanh cầm đồ trên cả nước là rất lớn, nhiều tiệm cầm đồ biến tướng thành tín dụng đen trá hình.

“Cần ban hành quy định rõ ràng về cách thức vận hành, hoạt động của công ty cầm đồ và các quy định chi tiết về những loại phí được phép yêu cầu khách hàng thực hiện. Việc này giúp người dân đi vay sẽ không bị “bóp cổ” và tạo điều kiện cho doanh nghiệp không phải đứng trước ranh giới mong manh giữa hình sự và dân sự. Cần có quy định về không cho phép hoặc nếu cho phép, mức thu các loại phí này là bao nhiêu” - ông Tuấn khuyến nghị.

Để bảo vệ quyền lợi người dân, Hiệp hội Ngân hàng đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị rà soát lại việc đặt tên “công ty tài chính” của loại hình cho vay cầm đồ nhằm tránh việc nhầm lẫn với các công ty tài chính tiêu dùng, cũng như vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi sở kế hoạch và đầu tư các tỉnh, thành phố rà soát lại.

Tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi 2017), người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Cho vay lãi nặng là trường hợp bên cho vay tiền với mức lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại Khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự (20%/năm).