OECD ban hanh huong dan ve thue doanh nghiep toi thieu toan cau hinh anh 1
Ảnh minh họa.

Trong một quyết định cải cách sâu nhất các quy định về thuế xuyên biên giới, năm 2021, gần 140 nước đã nhất trí áp dụng mức thuế tối thiểu 15% đối với các công ty đa quốc gia bằng cách cam kết áp một mức thuế bổ sung đối với lợi nhuận các công ty này thu được ở các nước có mức thuế suất thấp hơn.

Cải cách này nhằm cập nhật các quy định ra đời cách đây hàng thập kỷ về thuế xuyên biên giới trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, khi các “gã khổng lồ” công nghệ như Apple và Google có thể đăng ký lợi nhuận ở những nước đánh thuế thấp.

OECD dự kiến cải cách trên sẽ giúp tạo ra thêm 220 tỷ USD thu nhập thuế trên toàn cầu.

Hướng dẫn cuối cùng của OECD nhằm làm rõ các chi tiết liên quan để chính phủ các nước có thể thông qua mã số thuế một cách nhất quán và phối hợp để hạn chế chi phí đối với các công ty, đồng thời hạn chế khả năng xung đột.

OECD cho biết, họ đã đưa ra thông tin chi tiết, đặc biệt là cách thức chính phủ các nước công nhận mức thuế tối thiểu hiện hành ở Mỹ, trong đó bao trùm cả bằng sáng chế, thương hiệu hoặc bản quyền.

Hướng dẫn trên cũng bổ sung chi tiết phạm vi các công ty trong diện áp dụng cũng như các bước thực hiện và chuyển đổi.

Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ về chính sách thuế Lily Batchelder cho rằng, tiến bộ liên tiếp trong việc hướng tới thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu này là bước đi tiếp theo trong việc tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Mỹ.

Việc này cũng sẽ bảo vệ người lao động và các gia đình trung lưu Mỹ bằng cách chấm dứt “cuộc đua xuống đáy” về thuế doanh nghiệp.

Cải cách này đang được thúc đẩy mạnh mẽ để thực hiện vào đầu năm 2024, sau khi các nước Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 12/2022 nhất trí mức thuế tối thiểu này trong toàn khối.

Nhật Bản đang chuẩn bị thủ tục pháp lý trong nước, còn Thụy Sĩ dự kiến sẽ tổ chức trưng cầu ý dân vào tháng 6/2023./.