Chế biến cá trở thành mảng kinh doanh mới

Theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 của Công ty cổ phần Camimex Group (mã ck: CMX), năm 2024, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 75 triệu USD và sản lượng xuất khẩu 10.000 tấn thành phẩm.

Trước trăn trở của cổ đông rằng, công ty có hoàn thành được mục tiêu đã đề ra khi những năm trước chỉ đạt được 50 - 60% kế hoạch, ban lãnh đạo Camimex Group cho biết: “Việc xây dựng kế hoạch trên cơ sở thông tin kinh doanh từ phòng kinh doanh, thông tin tài chính của công ty tại thời điểm lập kế hoạch. Ban tổng giám đốc sẽ chịu trách nhiệm trước hội đồng quản trị (HĐQT), trước ĐHĐCĐ về việc thực hiện kế hoạch này”.

Camimex Group có định hướng đầu tư sang lĩnh vực chế biến cá và đầu tư nuôi cá. Ảnh: TL minh họa.

Trong năm 2024, Camimex Group dự kiến mở rộng vùng nuôi tôm sinh thái lên 20.000 ha. Đồng thời, công ty đầu tư nuôi tôm công nghệ cao; từng bước tự chủ một phần nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh; phấn đấu đến 2030 tự chủ 15 - 30% nguyên liệu tôm Vannamei đầu vào.

Đáng chú ý, công ty có định hướng đầu tư sang lĩnh vực chế biến cá (chế biến cá tuyết, cá minh thái, cá chẽm, cá hồi) và đầu tư nuôi cá (cá hồi, cá chẽm).

Ngoài ra, Camimex Group dự kiến chi 420 tỷ đồng trong năm cho hoạt động đầu tư. Cụ thể, công ty chi 120 tỷ đồng cho kho lạnh 6.000 tấn và 300 tỷ đồng cho nuôi thủy sản công nghệ cao.

Về khoản vay ngân hàng để mua nhà máy của Công ty Hùng Vương trong khi công ty đang sở hữu nhà máy cho thuê sản xuất tôm có gây ảnh hưởng đến việc chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông, Camimex Group cho rằng: “Nhà máy sản xuất tôm không phù hợp để sản xuất cá, việc cải tạo một nhà máy tôm, đầu tư máy móc để chuyển sang sản xuất cá thì không phù hợp. Tại khu vực Cà Mau, nhân công chuyên sản xuất tôm nên khi chuyển sang sản xuất cá gặp nhiều khó khăn, năng xuất lao động sản xuất cá rất thấp”.

Theo Camimex Group, đối với các dự án dự kiến triển khai, tập đoàn có thể sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hay được triển khai ở công ty con, công ty liên doanh/liên kết với tập đoàn. Nguồn đầu tư từ vốn tự có, vốn vay và do HĐQT quyết định phương thức cụ thể.

Trong định hướng chuyên nghiệp hóa các hoạt động sản xuất, Camimex dự kiến đầu tư nhà máy chuyên sản xuất cá và Công ty cổ phần Thảo Anh Fish là doanh nghiệp liên quan và sẽ thực hiện việc sản xuất cá trong tương lai.

“Việc các tổ chức tín dụng có điều khoản đề nghị không được chia cổ tức bằng tiền mặt từ nhiều năm trước, chúng tôi đã làm việc với ngân hàng để loại bỏ điều khoản này nhưng chưa thống nhất được. Thời gian tới, Ban điều hành sẽ làm việc lại với ngân hàng để gỡ bỏ điều khoản này.” - một lãnh đạo Camimex Group cho biết.

Kế hoạch kinh doanh tham vọng nhất trong 10 năm

Kết thúc quý I/2024, Camimex Group ghi nhận doanh thu thuần tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước lên 790 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng 58% lên 109 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính trong kỳ giảm một nửa về mức gần 7 tỷ đồng. Chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng lần lượt lên 42 tỷ đồng và 19 tỷ đồng, tương đương tăng lần lượt 36% và 111%. Riêng lợi nhuận khác của công ty âm hơn 1 tỷ đồng.

Kết quả, Camimex Group đạt lợi nhuận sau thuế 31 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Theo Camimex Group, lợi nhuận sau thuế tăng hơn 8 tỷ đồng trong kỳ là do số lượng và cơ cấu bán hàng, đồng thời nhu cầu thị trường có sự khác biệt về giá cả giữa hai kỳ.

Tính đến cuối quý I/2024, tổng tài sản của công ty ghi nhận 3.587 tỷ đồng, tương đương tăng nhẹ 5%. Hàng tồn kho giảm 17% xuống còn 1.160 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 49% lên 992 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tăng nhẹ 7% lên 2.061 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 79% tổng nợ phải trả ở mức 1.627 tỷ đồng. Vốn góp chủ sở hữu ở mức 1.526 tỷ đồng.

Ông lớn ngành tôm kinh doanh thêm mảng cá
Ảnh: Gia Linh.

Năm 2024, Camimex Group đề ra mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt 2.500 tỷ đồng và 105 tỷ đồng, tương đương tăng 23% và 57% so với thực hiện năm 2023. Nếu hoàn thành thì đây là mức lợi nhuận cao nhất trong 10 năm qua của doanh nghiệp.

Được biết, Camimex Group được thành lập từ năm 1977, được biết đến là một trong những doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm lớn, có trụ sở ở Cà Mau. Doanh nghiệp này là một trong số ít những đơn vị sản xuất tôm hữu cơ quy mô lớn trên thế giới và là nhà sản xuất Việt Nam duy nhất hiện nay đạt tiêu chuẩn hữu cơ trên toàn bộ chuỗi cung ứng từ con giống đến bàn ăn.

Camimex Group hiện đang vận hành ba nhà máy chế biến với tổng công suất thiết kế đạt hơn 15.000 tấn thành phẩm/năm.

Sau 3 tháng đầu năm, Camimex Group đã hoàn thành được 32% kế hoạch doanh thu và 30% kế hoạch lợi nhuận năm.