Sắp xếp lại, xử lý đối với 30.632 cơ sở nhà, đất

Đánh giá về công tác quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) năm 2022, báo cáo từ Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 32/CT- TTg ngày 10/12/2019 về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng TSC và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý TSC năm 2022 theo đúng quy định của pháp luật.

Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại và xử lý nhà, đất công
Công tác quản lý, sử dụng tài sản công ngày càng hiệu quả và thực chất. Ảnh TL minh họa

Đặc biệt, Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện xử lý, sắp xếp nhà, đất của các bộ, ngành, tổng công ty và tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo đúng quy định.

Theo đó, trong năm 2022, Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 154 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 20/11/2022, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 30.632 cơ sở nhà, đất thuộc quản lý của các bộ, ngành, cơ quan trung ương.

Từ việc thực hiện sắp xếp lại nhà, đất đã tạo quỹ đất để đầu tư xây dựng, phát triển các công trình công cộng, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, khách sạn, dịch vụ; chỉnh trang đô thị, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, tạo nguồn thu cho NSNN và nguồn lực để đầu tư cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới một số trụ sở của các bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp theo hướng hiện đại hóa.

Ngoài ra, nhằm tiếp tục tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng và khai thác đối với quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính đã có Công điện số 04/CĐ-BTC ngày 28/7/2022 gửi các cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước về việc tăng cường công tác sắp xếp lại, xử lý TSC. Qua đó, công tác sắp xếp trụ sở, nhà, đất được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện nên đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng nhà, đất hiệu quả, tiết kiệm và đúng mục đích.

Từ việc thực hiện sắp xếp lại nhà, đất đã tạo quỹ đất để đầu tư xây dựng, phát triển các công trình công cộng, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, khách sạn, dịch vụ; chỉnh trang đô thị, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu cho NSNN và nguồn lực để đầu tư cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới một số trụ sở của các bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp theo hướng hiện đại hóa.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã có hướng dẫn triển khai, xử lý các vướng mắc phát sinh trong thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất bảo đảm thu đúng, thu đủ vào NSNN. Nhờ đó, số thu từ tiền sử dụng đất vượt cao so với dự toán được giao. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 góp phần giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện về nguồn lực cho các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp để phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Dự kiến số tiền hỗ trợ là 3.500 tỷ đồng.

Ưu tiên sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập

Theo báo cáo từ Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính, việc quản lý, sử dụng TSC có đơn vị còn thực hiện chưa chặt chẽ, vẫn còn hiện tượng cho mượn, cho thuê không đúng quy định.

Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại và xử lý nhà, đất công
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất công. Ảnh TL minh họa

Hơn nữa, Luật Quản lý, sử dụng TSC và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật có nhiều nội dung triển khai mới trong công tác quản lý, sử dụng, khai thác, xử lý TSC theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương chưa kịp thời nắm bắt, triển khai đầy đủ các nội dung theo quy định. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình quản lý, sử dụng TSC. Việc cập nhật, rà soát, chuẩn hóa dữ liệu về TSC trong Cơ sở dữ liệu còn chậm.

Nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng TSC

Để công tác quản lý, sử dụng TSC hiệu quả, Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính cũng đưa ra một số giải pháp khác trong thời gian tới, đó là: Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng TSC; thanh tra việc sắp xếp lại, xử lý TSC tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý... Xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng TSC.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng TSC, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý TSC tại các bộ, ngành, địa phương.

Nguyên nhân được chỉ ra là do một số bộ, ngành chưa quyết liệt trong việc rà soát, sắp xếp xử lý TSC. Lực lượng làm nhiệm vụ quản lý TSC còn mỏng, kiêm nhiệm nhiều việc (ở trung ương, Bộ Tài chính chỉ có 46 công chức; ở các bộ, cơ quan trung ương bình quân khoảng 4-5 người; ở cấp tỉnh bình quân khoảng 7-8 công chức vừa thực hiện quản lý công sản, vừa quản lý giá, có nơi quản lý cả tài chính doanh nghiệp; ở cấp huyện thường chỉ bố trí 1 cán bộ kiêm nhiệm). Vì vậy, không đáp ứng được yêu cầu quản lý trong tình hình mới.

Để khắc phục tình trạng này và để công tác quản lý, sử dụng TSC hiệu quả hơn, trong năm 2023, Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức đánh giá việc triển khai các văn bản quy định chi tiết thi hành để báo cáo cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện bảo đảm quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả nguồn lực từ TSC, nhất là các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn định mức.

Đồng thời, Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là TSC, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc danh mục cổ phần hóa, nhà, đất của các cơ quan, tổ chức đơn vị thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, nhà, đất bỏ trống, không sử dụng.

Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, kiểm tra việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm (nếu có) trong tổ chức xử lý tài sản công là nhà, đất… Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội.

Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính sẽ rà soát, chuẩn hóa dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC, từng bước sử dụng thông tin, số liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC để phục vụ công tác quản lý thay cho hồ sơ giấy.

Đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia, tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, tài sản được hình thành thông qua việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước; quản lý TSC sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết đúng quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả./.