Ứng dụng công nghệ, phát triển nền y tế thông minh Ứng dụng khoa học công nghệ hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19

Ứng dụng công nghệ thông tin kiểm soát dịch Covid-19

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong thời gian qua, ngành Y tế đã đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá ứng dụng công nghệ thông tin trong các bệnh viện như: 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; nhiều cơ sở đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim.

Phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin phòng chống dịch Covid-19
Bệnh viện E ứng dụng nền tảng khám chữa bệnh từ xa đào tạo, nâng cao chuyên môn trong điều trị bệnh cho tuyến dưới. Ảnh: Văn Nam.

Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Cho tới nay đã có 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Ông Khuê cho biết, một thành tựu của ngành Y tế khi thực hiện chuyển đổi số là xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và kết nối vạn vật trong y tế. Nhiều cơ sở y tế cũng triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng rô bốt trong y tế; thí điểm đưa ứng dụng “điện toán biết nhận thức” hỗ trợ điều trị ung thư tại một số bệnh viện.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp như hiện nay thì chuyển đổi số trong ngành Y tế càng trở nên cấp thiết. Ở Việt Nam, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm cao, huy động nhiều doanh nghiệp, chuyên gia xây dựng các giải pháp, phần mềm cho y tế phục vụ hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19. Đây là cơ hội tốt để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số y tế trong nước, hỗ trợ tích cực phòng chống dịch, công tác truy vết nhanh chóng, kịp thời, báo cáo tổng hợp nhanh hỗ trợ ra các quyết định phòng chống dịch.

“Ứng dụng công nghệ thông tin được Chính phủ xác định là một trong các mũi tấn công nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch Covid-19. Ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp hệ thống y tế sẵn có phát huy tốt hiệu quả công tác phòng chống, đẩy lùi dịch Covid-19, tiết kiệm cho nguồn lực y tế làm công tác phát hiện dịch bệnh” - ông Khuê cho hay.

Xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân

Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, trong các đợt dịch Covid-19, ngành Y tế đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, như đã triển khai các phần mềm khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh (Vietnam Health Declaration), Bluezone, An toàn Covid-19…

Để tiếp tục phát huy những thành tựu đó và thực hiện chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, sẽ triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng” với mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân.

Trên cơ sở đó, người dân được bác sĩ tư vấn, chăm sóc như là bác sĩ riêng, xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, bảo đảm mỗi một người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử và thông tin sức khỏe của người dân được cập nhật kịp thời vào hồ sơ; phát triển hệ thống tiêm chủng, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm…

Phát triển ứng dụng giám sát các dịch bệnh thông qua việc thu thập các dữ liệu từ tất cả các nguồn bao gồm người dân, doanh nghiệp, cơ sở y tế, mạng xã hội, các chương trình điều tra và dự báo ổ dịch thông qua các công nghệ phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Phát triển các ứng dụng cung cấp tri thức phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, ngành Y tế phát triển các ứng dụng thông minh cho phép cung cấp các dịch vụ theo dõi, trợ giúp, chăm sóc sức khỏe người dân từ xa, kết nối trực tuyến giữa người bệnh, các thiết bị theo dõi sức khỏe và cán bộ y tế.

Đối với chuyển đối số trong bệnh viện, ngành Y tế ưu tiên các nội dung triển khai hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế bảo đảm khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu, đồng thời bảo đảm khả năng kết nối liên thông với tất cả các trang thiết bị hiện có trong cơ sở khám chữa bệnh trên mạng nhằm nâng cao khả năng tự động hóa.

Đồng thời, xây dựng bệnh viện thông minh; triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh; triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa, hệ thống quản lý đơn thuốc điện tử quốc gia tại tất cả cả cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân trên cả nước./.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, Đề án khám chữa bệnh từ xa và Hồ sơ sức khỏe điện tử là chiến lược quan trọng của ngành Y tế. Hai mục tiêu xuyên suốt của Đề án là tất cả các cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện được hỗ trợ chuyên môn liên tục và mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên.

Tư vấn khám chữa bệnh từ xa cho phép trao đổi thông tin về bệnh nhân qua màn hình để thảo luận phác đồ điều trị, chia sẻ các kiến thức chuyên môn hoặc huấn luyện từ xa. Nâng cao kết nối giữa các bộ phận trong bệnh viện, quản lý các dữ liệu nhạy cảm (như bệnh án) một cách bảo mật.

Thông qua nền tảng này, người dân có thể dễ dàng theo dõi sức khỏe qua ứng dụng hoặc website, kết nối với bác sĩ qua hình thức gọi điện, nhắn tin, đặt lịch khám, tương tác với người thân, người có cùng bệnh và cập nhật thông tin hướng dẫn điều trị. Cơ sở y tế có thể lập phác đồ theo dõi cho từng bệnh nhân, quản lý tình trạng sức khỏe hàng ngày, cảnh báo, nhắc nhở điều trị, tương tác trực tiếp với bệnh nhân (qua điện thoại, tin nhắn) và chỉ định điều trị, phục hồi chức năng, tư vấn dinh dưỡng.