Chuyển trạng thái thích ứng an toàn để chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế Ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy hiệu quả phòng chống dịch Covid-19 Các nhà khoa học đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch Covid-19

Nhiều nghiên cứu khoa học áp dụng thực tiễn

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy - Tổ trưởng Tổ thông tin đáp ứng nhanh của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, trong gần 2 năm qua, khoa học đóng góp thầm lặng nhưng tiên phong. Từ những ngày đầu Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cùng với Bộ Y tế và các nhà khoa học vào cuộc kịp thời phân lập, nuôi cấy thành công nCoV.

Ứng dụng khoa học công nghệ hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19
Nhiều ứng dụng công nghệ thông tin đã phát huy hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Văn Nam.

Thông qua đề tài nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học và vi rút học, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân lập, nuôi cấy thành công SARS-CoV-2, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập, nuôi cấy thành công SARS-CoV-2. Đây là kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu sản xuất bộ KIT chẩn đoán, sản xuất vắc-xin và nghiên cứu sâu hơn về vi rút.

Trong đó, đã nghiên cứu sản xuất các bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2, tiêu biểu là bộ sinh phẩm realtime RT-PCR do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á nghiên cứu, sản xuất thành công, đạt tiêu chuẩn quốc tế phát hiện SARS-CoV-2, được Bộ Y tế cấp phép và đưa vào sử dụng ngay từ đợt dịch đầu tiên bùng phát ở Việt Nam (ngày 7/3/2020).

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, hoạt động nghiên cứu sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 cũng được tiến hành rất sớm. Hiện nay, vắc-xin Nanocovax do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen nghiên cứu sản xuất. Đến nay, vắc-xin đã được đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3 và đang chờ Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp. Vắc-xin Covivax do Viện vắc xin và sinh phẩm Y tế nghiên cứu sản xuất được đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.

Ngoài ra, Bộ KH&CN đã cấp giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin phòng Covid-9 bằng công nghệ mRNA cho Công ty VinBioCare thuộc tập đoàn VinGroup. Hiện nay, vắc-xin ARCT-154 đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3b và dự kiến sẽ xin cấp phép khẩn cấp vào tháng 12/2021. VinBioCare cũng đang xây dựng nhà máy sản xuất vắc-xin ARCT-154 tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

“Hiện nhiều đơn vị nghiên cứu trong cả nước đã nghiên cứu xây dựng được mô hình dự báo, diễn biến dịch Covid-19. Trong số này Viện Nghiên cứu Hệ gene đã xác định đặc điểm hệ gene người liên quan đến tiên lượng bệnh; Trường Đại học Y Hà Nội nghiên cứu theo dõi diễn biến các biến chủng của nCoV; các nghiên cứu chế tạo robot hỗ trợ y tế (Vibot) cũng kịp thời hoàn thiện và đưa vào ứng dụng...”- Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho hay.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phòng chống dịch

Chia sẻ về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phòng chống dịch, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, những công nghệ mà Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia đang phát triển và đẩy mạnh ứng dụng trong thời gian qua là hướng tới mục tiêu hỗ trợ ngành Y tế phản ứng nhanh với diễn biến của dịch bệnh.

Để đạt mục tiêu đó, phải dựa trên dữ liệu toàn quốc, thông qua triển khai các nền tảng dùng chung quốc gia. Các nền tảng Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị sử dụng bắt buộc đều hướng tới mục tiêu này và đã phát huy hiệu quả tích cực cho công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, công nghệ thông tin còn giúp ích cho ngành y tế ở khâu điều trị, hỗ trợ người dân vùng dịch thông qua việc kết nối bệnh viện với bệnh viện, bác sĩ với người dân và người dân với người dân, như: Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, nền tảng Zalo Connect hay nền tảng hỗ trợ chuyển tuyến bệnh nhân 115…

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, trong quá trình phát triển các ứng dụng công nghệ phòng chống dịch, Bộ Thông tin và Truyền thông luôn coi bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin người dùng là yếu tố quan trọng hàng đầu. Đối với vấn đề bảo vệ dữ liệu người dùng trên mã QR, bản cập nhật tiếp theo của ứng dụng PC-Covid có thêm tính năng “mã QR an toàn” được hiển thị mặc định trên giao diện ứng dụng và chỉ cho phép hiển thị hạn chế thông tin người dùng.

Còn theo kỹ sư Lê Tuấn Sơn - Trung tâm Dữ liệu y tế, Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế), mã QR là ứng dụng truy vết F0, F1 thuận tiện trong cộng đồng. Ưu điểm lớn nhất là hỗ trợ khai báo vào ra nhanh chóng, thông tin chính xác, xuất số liệu dễ tổng hợp, tiết kiệm chi phí và nhân lực.

Trong phòng chống dịch, việc quét mã QR Code khi ra vào điểm công cộng hoặc tại các địa điểm sẽ giúp truy vết nhanh những người đã từng đến địa điểm đó, trong khoảng thời gian xác định. Trường hợp ghi nhận có ca nghi nhiễm, cơ quan chức năng sẽ tiến hành truy vết nhanh chóng./.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, trong đợt dịch thứ 4 đến nay, Tổ thông tin đã thiết lập và vận hành tổng đài hỗ trợ khai báo y tế 18001119, đã tiếp nhận 110.750 cuộc gọi của người dân trên toàn quốc. Hệ thống robot trí tuệ nhân tạo (Callbot) gọi điện hỗ trợ khai báo y tế cho gần 2,5 triệu người dân trong vùng dịch, vùng có nguy cơ cao cũng được triển khai, giúp sớm sàng lọc những người có nguy cơ để xét nghiệm.

Tổ thông tin cũng tham gia nghiên cứu các xu thế và giải pháp phòng dịch của thế giới, từ đó đề xuất triển khai, tham gia thiết kế các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phòng chống dịch như: khai báo y tế, quét mã QR di chuyển, công cụ trực tuyến quản lý mã ca bệnh, vòng tay quản lý cách ly, hệ thống giám sát an toàn Covid-19, xây dựng công cụ lưu trữ dữ liệu F0, dữ liệu dịch tễ...

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)