Sử dụng 1 app để đồng bộ dữ liệu khai báo của người dân

Theo PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới và Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, địa phương nỗ lực triển khai khẩn trương, kịp thời, đồng bộ các giải pháp công nghệ thông tin trong phòng chống dịch. Hiện đã huy động được hơn 20 doanh nghiệp công nghệ tham gia như VNPT, Viettel, SOVICO, FPT, DTT… với hàng nghìn kỹ sư công nghệ thông tin phát triển hơn 20 ứng dụng phục vụ hỗ trợ phòng chống dịch.

Ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy hiệu quả phòng chống dịch Covid-19
Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp phát huy hiệu quả trong truy vết các ca F0 ngoài cộng đồng. Ảnh: TL.

Từ đầu dịch đến nay, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế công bố 3 app khai báo y tế, còn lại của các lĩnh vực khác nhau liên quan đến Covid-19. Cụ thể, ứng dụng NCOVI do VNPT xây dựng cho phép khai báo y tế toàn dân, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày và ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng.

PGS.TS Trần Quý Tường cho biết, ứng dụng Sổ Sức khoẻ điện tử do Bộ Y tế chủ trì, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp, là ứng dụng phục vụ công tác khám chữa bệnh, hướng tới mỗi người dân một y bạ điện tử, thay thế y bạ giấy. Vì vậy, Sổ Sức khoẻ điện tử là ứng dụng tồn tại lâu dài để phục vụ xã hội.

Ứng dụng VN-eID do Bộ Công an chủ trì, là ứng dụng phục vụ định danh người dân, xác thực người dân và các nghiệp vụ quản lý nhà nước khác theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an. Vì vậy, VN-eID là ứng dụng tồn tại lâu dài để phục vụ xã hội. Trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh, việc triển khai các ứng dụng nói trên phải bảo đảm liên thông, chia sẻ dữ liệu theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Tiếp đến là ứng dụng VHD (VietNam Health Decleration) do Viettel xây dựng là ứng dụng đã được triển khai toàn quốc ngay từ đầu khi có dịch Covid-19, cho phép khai báo y tế nhập cảnh (bắt buộc), khai báo di chuyển nội địa, khai báo y tế toàn dân, cập nhật tình trạng sức khỏe hằng ngày với người dân trong khu vực cách ly, ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng.

Ứng dụng Bluezone do BKAV xây dựng ra đời sau 2 ứng dụng trên, cho phép ghi nhận các tiếp xúc gần giữa các điện thoại thông minh cùng cài đặt và sử dụng Bluezone. Ứng dụng này cũng cho phép người dân khai báo y tế toàn dân, ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng, gửi bản tin thông báo đến người dân.

Ông Tường cho biết, mới đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông làm đầu mối, phối hợp Bộ Y tế và Bộ Công an đã xây dựng lộ trình sử dụng 1 app duy nhất PC-Covid để đồng bộ dữ liệu khai báo của người dân từ 3 app (NCOVI, VHD, Bluezone), người dân đã khai từ 3 app này sẽ không phải khai lại và lộ trình đóng các app không cần thiết để giúp thuận tiện cho người dân khi khai báo y tế.

Hiện Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an đã thống nhất triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu và công nghệ phòng, chống dịch Covid-19, gồm: Ứng dụng PC-Covid do Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chỉ đạo, giao 3 bộ phối hợp triển khai, tích hợp các chức năng từ những ứng dụng trước đây thành một ứng dụng thống nhất PC-Covid là ứng dụng chỉ phòng, chống dịch Covid-19 và có tính thời điểm.

Cơ hội để đẩy nhanh chuyển đổi số y tế

Ông Tường cho rằng, trong cuộc chiến với Covid-19, ứng dụng công nghệ thông tin đã được triển khai và phát huy hiệu quả trong việc truy vết, giám sát, quản lý dịch Covid-19. Khác với các ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở y tế chỉ triển khai tại cơ sở y tế hoặc một khu vực, các ứng dụng hỗ trợ phòng chống Covid-19 đều triển khai trên diện rộng, diện quốc gia. Đồng thời do tính cấp thiết của việc chống dịch, nhiều ứng dụng khác nhau đã được triển khai để phục vụ tức thời cho hoạt động chống dịch cụ thể, theo tính chất chống dịch gấp rút tại từng thời điểm, do vậy chưa kịp thời liên thông, chia sẻ thông tin dữ liệu giữa các ứng dụng.

Trong thời gian tới, khi thống nhất tập trung thành một ứng dụng phục vụ phòng chống Covid-19, đồng thời tổ chức liên thông, dữ liệu đầy đủ, việc triển khai ứng dụng số trong phòng chống Covid-19 sẽ có hiệu quả hơn, khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay.

Còn theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp như hiện nay thì chuyển đổi số trong ngành Y tế càng trở nên cấp thiết.

Ở Việt Nam, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm cao, huy động nhiều doanh nghiệp, chuyên gia xây dựng các giải pháp, phần mềm cho y tế phục vụ hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19, đây là cơ hội tốt để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số y tế trong nước, hỗ trợ tích cực phòng chống dịch, công tác truy vết nhanh chóng, kịp thời, báo cáo tổng hợp nhanh hỗ trợ ra các quyết định phòng chống dịch.

“Dịch Covid-19 là thảm họa sức khỏe đối với nhân loại, nhưng nếu biết phát huy tốt ứng dụng công nghệ thông tin thì đây cũng là cơ hội để tăng tốc chuyển đổi số y tế. Khi phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 phải lấy người dân làm trung tâm, các ứng dụng phải bảo đảm thuận tiện, dễ sử dụng, bảo mật, an toàn thông tin”- ông Khuê cho hay./.