Phát triển thị trường bảo hiểm ASEAN bền vững, bảo vệ tốt nhất người tham gia
Nguồn: SwissRe Đồ họa: Phương An

Bảo hiểm đóng vai trò hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Phát biểu khai mạc hội nghị tại Quảng Ninh ngày 7/12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho rằng, hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm là một trong những nội dung hợp tác tài chính ASEAN. Trong nhiều năm qua tiến trình hợp tác tài chính nói chung và bảo hiểm nói riêng đã đạt được kết quả quan trọng, hướng tới một cộng đồng chung theo cam kết của ASEAN.

Thông tin tại hội nghị, Thứ trưởng cho biết, nền kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh trong bối cảnh chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo như đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga và Ukraina, xung đột Trung Đông và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn để kiềm chế lạm phát.

Các nước ASEAN tham gia AIRM 26th

Hội nghị các Cơ quan quản lý bảo hiểm khu vực ASEAN lần thứ 26 (AIRM 26th) và Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN lần thứ 49 (AIC 49th) có sự tham dự của đoàn các cơ quan quản lý bảo hiểm, hiệp hội bảo hiểm của Việt Nam và các nước trong khu vực, Đoàn Thư ký ASEAN và Thành viên các Hiệp hội bảo hiểm các nước khu vực.

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới cập nhật tháng 7/2023 của IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo đạt 3%. Con số dự báo này vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình 3,8% giai đoạn 2000 - 2019. Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển năm 2023 dự báo đạt 1,5%, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có mức tăng trưởng ổn định, đạt 4% năm 2023. Trong đó, ASEAN vẫn là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào năm 2023. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán rằng tăng trưởng ở mức 5,5% năm 2022.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định, lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo dự báo của SwissRe, tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng 1,1% năm 2023 và 1,7% năm 2024. Bảo hiểm trong ASEAN tiếp tục khẳng định là khu vực phát triển năng động so với thị trường quốc tế.

Tăng chất lượng đại lý để phát triển bền vững

Thứ trưởng Bộ Tài chính thông tin thêm, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 10 diễn ra tại Indonesia, các Bộ trưởng đã ghi nhận sự đóng góp của Hội nghị AIRM trong việc tăng cường hợp tác bảo hiểm ASEAN bằng cách trao đổi kiến thức và cập nhật về những phát triển gần đây, đặc biệt là về bảo hiểm bền vững và nâng cao vai trò của ngành bảo hiểm trong việc hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững của ASEAN. Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh tiến bộ đạt được trong Giai đoạn 2 của Chương trình Tài trợ và Bảo hiểm rủi ro thiên tai ASEAN (ADRFI).

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn đánh giá cao đề xuất của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Việt Nam và Ban Thư ký ASEAN về việc đưa vào hội nghị chủ đề thảo luận chuyên sâu về “Quản lý đại lý nhằm phát triển bền vững thị trường bảo hiểm” bên cạnh các giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm bền vững đã đề cập tại các Hội nghị AIRM trước đây liên quan đến tăng cường quản lý, giám sát, phát triển bảo hiểm bền vững, bảo hiểm vi mô. Thứ trưởng mong rằng, tại hội nghị này, các nước sẽ chia sẻ kinh nghiệm quản lý đại lý vừa để phát triển thị trường bảo hiểm bền vững, vừa để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Phát triển thị trường bảo hiểm ASEAN bền vững, bảo vệ tốt nhất người tham gia
Ảnh minh họa

Thông tin tới các đại biểu về thị trường bảo hiểm Việt Nam, Thứ trưởng cho rằng, hình thành từ năm 1993 đến nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có bước phát triển đáng ghi nhận: có nhiều doanh nghiệp được thành lập trong các lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ và môi giới bảo hiểm; các sản phẩm bảo hiểm đã phong phú hơn, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; doanh thu phí có sự tăng trưởng khá (có thời gian đạt mức bình quân từ 20 - 25% mỗi năm). Hệ thống khuôn khổ pháp lý đối với kinh doanh bảo hiểm đã hoàn thiện.

Chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về hợp tác bảo hiểm

Hội nghị AIRM và AIC là điểm nổi bật trong hợp tác bảo hiểm ASEAN giữa các cơ quan quản lý bảo hiểm và khối doanh nghiệp bảo hiểm. Đây là diễn đàn quan trọng nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về hợp tác bảo hiểm ASEAN. Thông qua cơ chế đối thoại, cơ quan quản lý có cơ hội tham vấn ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp bảo hiểm để có những quyết sách phù hợp. Các doanh nghiệp bảo hiểm có cơ hội tiếp cận, trao đổi và đề xuất đối với những vướng mắc trong quá trình hoạt động của mình.

Tuy nhiên, so với một số nước trong khu vực thì quy mô thị trường bảo hiểm Việt Nam còn hạn chế. “Với chủ trương mở cửa thị trường bảo hiểm theo các cam kết quốc tế, chúng tôi khuyến khích các loại hình doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động, cả doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, nới lỏng quy định về phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, chú trọng chất lượng dịch vụ và quản trị rủi ro” - Thứ trưởng cho biết thêm.

Ngay sau lễ khai mạc đã diễn ra các phiên họp của AIRM và AIC. Tại các cuộc họp, lãnh đạo các cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN đã tập trung thảo luận các vấn đề chính. Trên cơ sở các nội dung của hội nghị, Phiên họp toàn thể giữa khối cơ quan quản lý bảo hiểm và khối doanh nghiệp bảo hiểm sẽ diễn ra vào ngày 8/12.

Tại phiên họp này Chủ tịch AIRM và Chủ tịch AIC sẽ thông báo kết quả của Hội nghị AIRM 26 và Hội nghị AIC 49. Cơ quan quản lý bảo hiểm và các doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ cùng nhau trao đổi về định hướng phát triển ngành bảo hiểm của mỗi nước và khu vực ASEAN. Kết quả, nội dung hợp tác sẽ được báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN để tổng hợp, đánh giá.

Thông điệp mạnh mẽ để phát triển thị trường bảo hiểm ASEAN

Trong khuôn khổ Hội nghị AIRM 26th và AIC 49th, ngày 5 - 6/12/2023 đã diễn ra nhiều cuộc họp của các Nhóm kỹ thuật chuyên môn. Sau nhiều giờ làm việc tập trung, thảo luận sôi nổi về việc triển khai công tác năm 2023 và định hướng thời gian tới, các cuộc họp đã thu lại nhiều kết quả quan trọng.

Theo đó, trong ngày 6/12, nhiều cuộc họp đã được tổ chức thành công như: Cuộc họp lần thứ 23 của Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm ASEAN (AITRI); Cuộc họp lần thứ 21 của Ủy ban Giáo dục Bảo hiểm ASEAN (AIEC); Cuộc họp của Ủy ban Điều phối liên ngành về tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai ASEAN (ACSCC); Cuộc họp lần thứ 24 của Hội đồng các cơ quan quốc gia về thực hiện Nghị định thư số 5 liên quan đến bảo hiểm xe cơ giới quá cảnh ASEAN (COB); Cuộc họp của Ủy ban Công tác Tái bảo hiểm ASEAN (ARWC); Cuộc họp lần thứ 1 của Ủy ban về bảo hiểm, tái bảo hiểm hồi giáo (ATRWC) và Cuộc họp lần thứ 16 về Chia sẻ công việc và nghiên cứu thiên tai ASEAN (ANDREWS).

Trước đó, ngày 5/12/2023, Hội đồng bảo hiểm ASEAN (AIC) và Trường Đại học Bảo hiểm Singapore (SCI) đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Bảo hiểm ASEAN (ASEAN Insurance Summit - AIS) lần thứ 5. AIS lần này tập trung vào chủ đề Chuyển đổi và bền vững của ngành bảo hiểm ASEAN: Đẩy mạnh tham vọng thành hành động. Chủ đề năm nay là một thông điệp mạnh mẽ, thể hiện ý chí và mục tiêu của thị trường ASEAN trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 và sự phát triển không ngừng của thị trường tài chính./.