Phát triển thị trường chứng khoán ổn định, an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững
Thị trường chứng khoán Việt Nam từng bước khẳng định là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế và là kênh đầu tư hấp dẫn. Ảnh: Duy Dũng

Tạo mọi điều kiện để phát triển lành mạnh, bền vững

Tại Công điện số 1360/CĐ-TTg ngày 13/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững đã nêu rõ: “Về cơ bản thị trường chứng khoán (TTCK) đã duy trì hoạt động ổn định, an toàn, thực chất hơn, hiệu quả và minh bạch hơn, từng bước lập lại trật tự, kỷ cương kỷ luật trên thị trường, tiếp tục củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, công tác thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh của TTCK Việt Nam được chú trọng, hướng tới mục tiêu nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi”.

Thị trường chứng khoán sẽ thu hút mạnh mẽ dòng vốn phục vụ phát triển kinh tế

"Tin tưởng TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế, duy trì tăng trưởng về quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng; phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, tiến tới nâng hạng TTCK, thu hút mạnh mẽ dòng vốn gián tiếp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước"

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Đánh giá về vai trò của TTCK thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, TTCK Việt Nam từng bước khẳng định được là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp, cho nền kinh tế và là kênh đầu tư hấp dẫn, kênh tích sản hiệu quả cho nhà đầu tư. TTCK Việt Nam không những trở thành kênh dẫn vốn ở trong nước, mà còn là kênh dẫn vốn, kết nối dòng vốn của các ngân hàng, các quỹ tài chính quốc tế để gia tăng nguồn lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước phát triển bền vững hơn, “xanh” hơn.

“Phát triển từng bước, vững chắc thị trường vốn nói chung và TTCK nói riêng là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã và sẽ luôn tạo mọi điều kiện để TTCK Việt Nam phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh và bền vững” - Bộ trưởng khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, TTCK đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhưng thời gian tới cần có những bước chuyển thực chất hơn nữa, tăng cường chiều sâu chất lượng, thúc đẩy phát triển xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… để phát triển bền vững cùng nền kinh tế đất nước.

Theo đó, TTCK sẽ tiếp tục được phát triển về quy mô, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng thị trường, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh của các tổ chức tham gia thị trường; chú trọng đổi mới, ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin tiên tiến và tận dụng có hiệu quả thành tựu cách mạng công nghệ, tiếp cận với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Bộ Tài chính kiên định các giải pháp thực hiện quản lý, giám sát thị trường tập trung theo pháp luật để thị trường ngày càng minh bạch, phát triển đúng hướng; tăng cường quản lý, giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn thị trường; đảm bảo các chủ thể tham gia thị trường tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Thị trường sẽ tiếp tục có bước chuyển tích cực

Thị trường chứng khoán đang được hỗ trợ vững chắc từ các yếu tố nội tại trong nước. Ảnh: Duy Dũng

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trong thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan hữu quan, các giải pháp kịp thời, phù hợp của các cơ quan quản lý, sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự đồng thuận của nhà đầu tư, người dân…. các thị trường tài chính tiếp tục được củng cố, tháo gỡ, xử ký kịp thời khó khăn vướng mắc để ngày càng phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch và ngày càng bền vững hơn.

“Bộ Tài chính có nhiều giải pháp nhằm kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, hoàn thiện pháp luật, thúc đẩy sự minh bạch, chặt chẽ, chẳng hạn như thành lập sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ…” – Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu ngành Tài chính cũng kỳ vọng: “Cũng như nền kinh tế nói chung, khó khăn, thách thức, yếu tố khó lường đối với các thị trường tài chính vẫn hiện hữu trong năm nay. Tuy nhiên, với nền tảng đã xây dựng, các giải pháp đã triển khai và sự chủ động vào cuộc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của cơ quan quản lý các cấp, các thị trường tài chính, TTCK sẽ tiếp tục có những bước chuyển tích cực hơn về chất lượng và tính lành mạnh, bền vững”.

Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cũng cho biết thêm, dù có nhiều yếu tố cơ hội và thách thức đan xen, nhưng năm 2024, TTCK Việt Nam hy vọng sẽ có thêm các bước chuyển tích cực, mạnh mẽ, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước; là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, đóng góp ngày càng lớn hơn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.

UBCKNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường, trong đó tập trung hoàn thành xây dựng kế hoạch triển khai đề án Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 hiệu quả.

Đồng thời, UBCKNN sẽ tăng cường xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vừa tạo điều kiện cho công tác quản lý, điều hành, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các định chế thị trường và nhà đầu tư tham gia.

Cùng với đó, “chúng tôi sẽ tiếp tục tái cấu trúc TTCK dựa trên các trụ cột chính đã đề ra, trong đó, chú trọng, tăng cường quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán và người hành nghề chứng khoán; đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức, khuyến khích đầu tư nước ngoài dài hạn, đào tạo nhà đầu tư cá nhân” - Chủ tịch UBCKNN cho hay.

Ngoài ra, UBCKNN sẽ đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư tại nước ngoài, làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức xếp hạng để TTCK Việt Nam sớm được nâng hạng.

Mục tiêu cụ thể phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến 2030

Đặt mục tiêu, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP) vào năm 2030; TTCK phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20% - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030.

Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên TTCK đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Tăng tỷ trọng trái phiếu chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ lên mức 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.

Nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á; áp dụng thông lệ tốt về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị công ty (ESG) tại các Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam hướng tới yếu tố phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế.

Hoàn thành việc phân bảng cổ phiếu niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán trong năm 2025. Phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Tích cực hội nhập thị trường tài chính, chứng khoán thế giới, đáp ứng yêu cầu về an ninh tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, quản trị rủi ro, đưa vào áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.