WB: Kinh tế sẽ tiếp tục cải thiện, tăng trưởng được đẩy mạnh trong những tháng tới
Kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô
Ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn về tài chính - ngân sách trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã trình bày báo cáo về công tác chỉ đạo điều hành và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022.

Thu ngân sách vượt dự toán, đảm bảo nguồn lực các nhiệm vụ chi

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay, trước sóng dịch Covid-19, nước ta đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của tình hình kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh đó, chúng ta đã chuẩn bị tốt nhất để bảo đảm an ninh, an toàn, hiệu quả và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp, phê chuẩn và kiện toàn các chức danh quan trọng của Nhà nước; tạo quyết tâm, nỗ lực mới trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Ảnh: TL.

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ ngay sau khi được kiện toàn đã quyết liệt hành động, tập trung chỉ đạo rà soát, sửa đổi thể chế, cải cách hành chính nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội; tích cực xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài…

Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 là 2,58%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,84%.

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt trên 1,563 triệu tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán; trong đó, thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh vượt khoảng 14,5% so với dự toán và tăng khoảng 11,3% so với năm 2020; tổng số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt khoảng 20,5% so với dự toán và tăng 20,7% so với năm 2020, bảo đảm nguồn lực cho các nhiệm vụ chi, nhất là cho công tác phòng, chống dịch và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi NSNN ước dưới 4% GDP, thấp hơn so với dự toán Quốc hội quyết định (4%GDP).

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; trong đó kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt trên 336,25 tỷ USD, tăng 19%; xuất siêu ước đạt 4 tỷ USD.

Cùng với đó, theo Phó Thủ tướng, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục cải thiện, năm 2021 thu hút đầu tư nước ngoài tăng trưởng cao. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định là vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, thương mại điện tử, chuyển đổi số…

Quyết liệt hành động thực hiện thắng lợi mục tiêu năm 2022

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Ảnh: TL.

Dịch Covid-19 có thể phức tạp, nguy hiểm hơn với sự xuất hiện của các biến chủng mới. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể thấp hơn năm 2021; lạm phát ở nhiều nước tăng cao.

Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút.

Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn. Trung ương Đảng đã có kết luận, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết, trong đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2022.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các quan điểm chỉ đạo, điều hành, quán triệt theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, trong đó tập trung ưu tiên nguồn lực, thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục đổi mới, chủ động, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, quyết liệt hành động, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.

“Nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và thời gian tới là rất nặng nề, nhưng với tinh thần, ý chí quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nhất định chúng ta sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, đưa đất nước vững bước tiến lên trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói./.