Chiều ngày 10/4, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy – Vietnam Economic Times) và UBND TP Hải Phòng đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum) lần thứ 4 và chương trình Golden Dragon Awards lần thứ 23.

Kinh tế xanh đòi hỏi sự chung tay trên toàn cầu

Diễn đàn Vietnam Connect là sự kiện thường niên, quy mô cấp quốc gia kết nối quốc tế do Bộ Ngoại giao và Tạp chí Kinh tế Việt Nam đồng chủ trì tổ chức. Mục tiêu trọng tâm của Diễn đàn nhằm nâng cao hiệu quả kết nối, tăng cường cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại giữa các địa phương, đối tác quốc tế và các cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chủ đề của Diễn đàn Vietnam Connect 2024 là "Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững: Từ chiến lược, chính sách của Chính phủ tới các sáng kiến, giải pháp của địa phương và doanh nghiệp".

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đáng giá cao Ban Tổ chức trong việc lựa chọn chủ đề hướng tới kinh tế xanh, bền vững cho diễn đàn hôm nay.

Nhìn lại những giai đoạn phát triển vừa qua, Phó Thủ tướng nhận định thế giới đã ở trong giai đoạn đứng trước thách thức lớn về sự chuyển đổi. Sau hàng trăm năm phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên, thế giới đang đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu. Để giải quyết thách thức này thì không một nước phát triển, hay đang phát triển có thể giải quyết riêng lẻ mà đòi hỏi sự chung tay để giải quyết trên toàn cầu.

Từ phía Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam đã tham gia từ sớm các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu. Tại các Nghị quyết của Đảng, Việt Nam cũng đã xác định lựa chọn phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tại COP26, Việt Nam đã ký cam kết Net-Zero vào năm 2050, một mục tiêu hết sức thách thức cả với nhiều nước phát triển. Triển khai các mục tiêu này, Việt Nam đã có các chiến lược về tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường... Bên cạnh đó, môi trường pháp lý về chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo cũng đang được khẩn trương hoàn thiện.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Kinh tế xanh là xu thế tất yếu không thể đảo ngược
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn.

“Chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác, kinh tế xanh là con đường chắc chắn phải chọn” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Khi mô hình đã được chọn, Phó Thủ tướng cũng lưu ý điều cần bàn là việc triển khai mô hình cụ thể thế nào, tiêu chí, lộ trình từng năm ra sao, giải pháp nào cho sự liên kết giữa chính phủ, chính quyền đia phương, doanh nghiệp… Đây là những vấn đề Phó Thủ tướng mong muốn được lắng nghe từ các ý kiến của các doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức quốc tế tham dự Diễn đàn.

Phó Thủ tướng khẳng định, trong chặng đường phát triển kinh tế xanh, Chính phủ cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, lắng nghe các tiếng nói của doanh nghiệp để từ đó có các giải pháp, chính sách hỗ trợ cần thiết ở phạm vi trong nước cũng như thể hiện tiếng nói trên toàn cầu.

Vấn đề cấp bách là biến các cam kết thành hành động

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), các công nghệ và xu hướng mới, nổi lên là AI và giảm phát thải các-bon sẽ là hai nhân tố quyết định trong chu kỳ phát triển mới của thế giới. Chat GPT chỉ mất 2 tháng để đạt 100 triệu người dùng, trong khi các ứng dụng khác phải mất vài năm, thậm chí 10 năm.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Kinh tế xanh là xu thế tất yếu không thể đảo ngược
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng phát biểu khai mạc diễn đàn

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, để phát triển các công nghệ mới, nhất là bán dẫn, AI, nhu cầu về tiêu thụ điện năng, nhất là điện sử dụng năng lượng sạch sẽ tăng gấp nhiều lần. Năng lượng xanh, bền vững sẽ là bài toán phức tạp nhất đối với các nền kinh tế muốn phát triển các ngành công nghệ mới trong thời gian tới.

"Vấn đề cấp bách hiện nay là biến các cam kết thành các hành động; biến các ý tưởng, sáng kiến thành nguồn lực; biến mong muốn, tầm nhìn thành những kết quả cụ thể để không nước nào bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực xanh hóa nền kinh tế toàn cầu một cách bền vững" - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu tại Diễn đàn khẳng định.

Tại diễn đàn, các khách mời tham gia phiên thảo luận đã cùng trao đổi, phản hồi và thảo luận về các nhóm vấn đề chính liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh, cụ thể như: các cơ chế, chính sách hiện hành của Việt Nam về vấn đề chuyển đổi xanh, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, hướng tới net zero và phát triển bền vững; đánh giá khả năng huy động và tiếp cận các nguồn lực tài chính xanh, tài chính khí hậu, net zero; đánh giá năng lực, nội lực của các địa phương, doanh nghiệp trong việc thực thi chuyển đổi xanh; đề xuất, khuyến nghị chính sách tạo thuận lợi hơn nữa, tốc độ chuyển động chính sách nhanh hơn nữa nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam, góp phần quan trọng đạt mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Kinh tế xanh là xu thế tất yếu không thể đảo ngược
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu và các đại biểu tham dự Diễn đàn.

Cũng trong khuôn khổ của diễn đàn, đã diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Biến đổi khí hậu và các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường với Tạp chí Kinh tế Việt Nam nhằm phối hợp triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực và hành động hướng tới mục tiêu Net-Zero của Việt Nam.

Vinh danh 50 doanh nghiệp FDI tiêu biểu nhận giải thưởng Rồng Vàng

Tiếp nối Phiên toàn thể Diễn đàn Vietnam Connect 2024 là Lễ công bố và vinh danh các doanh nghiệp FDI tiêu biểu năm 2023 nhận giải thưởng Rồng Vàng (Golden Dragon Awards) – Lần thứ 23.

Chương trình Golden Dragon Awards năm 2024 tập trung khảo sát và bình xét các doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi xanh, chuyển đổi tuần hoàn, đảm bảo phát thải carbon thấp trong quy trình sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, quan tâm, trú trọng và có kế hoạch thực thi ESG. Các doanh nghiệp tiên phong công bố lộ trình hướng tới net zero của doanh nghiệp, góp phần vào mục tiêu thực hiện thành công cam kết Net-Zero của Việt Nam vào năm 2050.

Năm 2024, Ban tổ chức nhận được hơn 486 đề cử và đăng ký tham gia. Qua 2 vòng khảo sát và bình xét, Golden Dragon Awards 2024 công bố và vinh danh TOP 50 doanh nghiệp FDI tiêu biểu ở 6 nhóm ngành, bao gồm: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; Công nghệ số & dịch vụ số; Dịch vụ tài chính và bảo hiểm; Phát triển hạ tầng, khu công nghiệp và bất động sản; Giáo dục và chăm sóc sức khỏe; Nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống

TOP 10 thương hiệu xuất sắc được vinh danh Golden Dragon Awards 2024 tiêu biểu như: Samsung, LG Display, Intel, Qualcomm, Heineken, HSBC, Lego, SCG, UOB, Coca-Cola.