kinh doanh xang dau

Tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu ngày càng phổ biến, gây bức xúc dư luận. Ảnh: T.Uyên

Gian lận xăng dầu hoành hành

Tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu ngày càng phổ biến và trở thành vấn nạn, gây bức xúc dư luận. Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công thương diễn ra mới đây, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Đông cho biết, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Công an giám sát hoạt động thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu, đầu mối, qua đó, hiện nhiều vụ buôn lậu, buôn bán hóa đơn, pha chế xăng giả. Thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường, phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, giám sát hoặc động kinh doanh mặt hàng này.

Điển hình, trong tháng 2 vừa qua, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai triệt phá đường dây sản xuất và buôn lậu xăng giả, lớn chưa từng có; tang vật thu được gần 2,7 triệu lít xăng, hóa chất tạo màu cùng hơn 100 tỷ đồng tiền mặt.

Thời gian tới, lực lượng chức năng cả nước sẽ đẩy mạnh thanh kiểm tra các giấy tờ có liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu, việc ghi thông tin trên các cột đo xăng dầu; kiểm tra giấy chứng nhận kiểm định các cột đo xăng dầu, phương tiện đo, bình đong đối chứng; kiểm tra niêm phong, kẹp chì tại các bộ phận, chi tiết, chức năng có khả năng can thiệp làm thay đổi các đặc tính kỹ thuật đo lường chính của các cột đo xăng dầu; kiểm tra sai số kết quả đo lượng xăng dầu trên bình chuẩn; kiểm tra chất lượng bằng máy test nhanh, trong trường hợp có nghi vấn về chất lượng sẽ tiến hành lấy mẫu theo quy định để kiểm tra sự phù hợp của xăng dầu với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng…

Cuối tháng 3 vừa qua, lực lượng chức năng Ninh Bình xử phạt gần 400 triệu đồng đối với sai phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại 1 doanh nghiệp trên địa bàn với hành vi kinh doanh xăng RON 95-III và xăng E5 RON 92-II có nghi vấn không đảm bảo chất lượng. Được biết, từ đầu năm đến nay, đoàn đã kiểm tra của Ninh Bình đã kiểm tra 14 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, qua đó xử lý 06 vụ vi phạm, phạt tiền gần 600 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên TBTCO, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, so với các mặt hàng khác, gian lận thương mại trong xăng dầu rất lớn, trung bình mỗi ngày có 1,5 vụ vi phạm. Trong gian qua, tình hình buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu diễn biến phức tạp với rất nhiều thủ đoạn tinh vi.

Vì vậy, trong kế hoạch thanh tra chuyên ngành của Tổng cục năm 2021, xăng dầu là mặt hàng được ưu tiên lựa chọn kiểm tra, thanh tra hàng đầu. Theo đó, ngay từ đầu năm, lực lượng QLTT các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về pha trộn, tiêu thụ xăng dầu giả, kém chất lượng.

Qua thanh kiểm tra thực tế cho thấy còn nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhập khẩu chưa thực hiện đúng các quy định về đo lường, chất lượng, sản xuất, pha chế trái phép xăng dầu kém chất lượng, xăng dầu giả đưa vào lưu thông diễn ra phổ biến, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong phát hiện, xử lý.

Triển khai hóa đơn điện tử, gian lận xăng dầu "hết cửa"

Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị bổ sung quy định việc thực hiện hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế là một trong những điều kiện để doanh nghiệp được phép kinh doanh nghiệp được phép kinh doanh xăng dầu, nhằm tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Theo Bộ Tài chính, giải pháp dán tem đồng hồ đo xăng dầu là giải pháp khả thi, hiệu quả được doanh nghiệp, người tiêu dùng ủng hộ. Tuy nhiên, về lâu dài cần thiết phải nghiên cứu áp dụng các ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư hệ thống, thiết bị và chuẩn bị cơ sở pháp lý để áp dụng hoá đơn điện tử.

Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; trong đó, bổ sung quy định việc thực hiện hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế là một trong những điều kiện để doanh nghiệp được phép kinh doanh xăng dầu.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian chưa triển khai đồng bộ việc áp dụng hóa đơn điện tử đối với tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc. Bộ Tài chính chỉ đạo ngành Thuế tiếp tục triển khai và nâng cao hiệu quả giải pháp dán tem niêm phong đối với đồng hồ tổng trên các phương tiện đo xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu trong năm 2021.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý kê khai, chấp hành nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, động viên khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sớm triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trước thời điểm 1/7/2022./.

Tố Uyên